Tuesday 26 July 2011

„TIẾU NGẠO GIANG HỒ“

Mùa hè… chờ  mãi rồi cũng đến, đến rồi lại thấy nó trôi nhanh qúa, mới đó mà nay đã là những ngày cuối tháng bảy rồi…Mong ước hè đến để có được những ngày nghỉ ngơi, xếp bút nghiên đại sự cho thảnh thơi đầu óc…nhưng không ngờ lại phải chiến đấu ở mặt trận khác…luyện chưởng!!!

Một vài bộ phim xem qua không để lại ấn tượng, nhưng xem hết bộ phim „Tiếu ngạo giang hồ“, tự nhiên ngộ ra nhiều điều.

Hầu hết các tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, sau đó được dàn dựng thành phim, các tác giả đều xây dựng cốt truyện dầu muốn dầu không, lúc tỏ tường, lúc ám chỉ đều có tư tưởng của ba triết thuyết lớn Nho - Lão - Phật, có thể nêu một vài điểm chính:

Nho học đề cao tam cương, ngũ thường và xây dựng hình ảnh người quân tử như hình mẫu để mọi người nhắm đến. Đức tính của người quân tử là Nhân Trí Dũng. Trở thành người quân tử, tức là trở thành bậc thánh nhân, hiền triết. Để xây dựng một xã hội an hòa, mọi người quý yêu nhân nghĩa, cần phải có một minh quân.

Trong khi Lão học xem Đạo là con đường, là Thực Tại Tối Hậu, là khởi nguyên và là cùng đích của vũ trụ vạn vật, cũng có nghĩa là mẹ của muôn loài. Con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện để sống lâu và gần với Đạo. Người đạt Đạo chính là bậc quân tử.

Phật học nhìn nhận đời là vô thường, vô ngã nên con người phải chịu khổ. Mọi sự khổ đều phát xuất bởi lòng dục và vô minh.  Một khi dứt được những nguyên nhân đó thì con người có thể thoát khỏi vòng sinh tử. Điều làm cho chúng sinh còn vướng mãi trong vòng sinh tử được nhà Phật giải thích bằng thuyết Duyên khởi. Chấm dứt luân hồi, vòng sinh tử đồng nghĩa với việc chứng ngộ Niết bàn. Theo Tứ diệu đế, con đường dẫn đến Niết bàn là Bát chánh đạo.

Trở lại „Tiếu ngạo giang hồ“, khởi đi từ bí kiếp truyền lại của nhà họ Lâm gọi là "Tịch tà kiếm pháp", người luyện được kiếm pháp này có thể sở hữu tốc độ nhanh như chớp, võ công làm mưa làm gió chốn võ lâm.

Ý tưởng bá chủ võ lâm đã làm quay cuồng những kẻ hám danh, hám lợi, ích kỷ, nhỏ nhen, dấy lên từng cuộc tàn sát lẫn nhau giữa các cá nhân và các môn phái.

Vì tước hiệu „Thiên hạ đệ nhất“ những kẻ tiểu nhân đội lốt quân tử với những toan tính hiểm ác đã lôi kéo nhiều người vào vòng sinh tử oan khiên. Kẻ ngụy quân tử huênh hoang dạy đời, người tốt lại bị hiểu lầm, bị truy đuổi.

Qua những cuộc tương tàn này, người ta nhận biết được ai thiện, ai ác; ai chánh, ai tà; ai quân tử, ai tiểu nhân. Và cuối cùng, mọi sự đều sáng tỏ, thiện ác phân minh, chánh tà hiện rõ. Người quân tử để lại tấm sáng ngời về sự độ lượng, bao dung, biết nhân nghĩa, phải quấy…  Kẻ tiểu nhân tư lợi hẹp hòi, lòng dạ toan tính, tham lam rồi cuối cùng cũng bị diệt vong… Đây có thể là một kết thúc tốt mà mọi người xem đều mong đợi. Dụng ý và sự kết thúc có hậu này chắc chắn là tư tưởng của Nho học rồi.

Quan trọng nhất là nội dung xuyên suốt của cốt truyện, điều này không thể loại bỏ những tình tiết đan xen làm cho kết cấu phim logic và cuốn hút người xem. Chỉ tiếc rằng những đan xen ấy lại chính là mối thù hận giữa các môn phái, giữa các cá nhân. Đến đây, khán giả lại được ngộ ra sự kỳ diệu của giáo lý nhà Phật: „Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan.”

Nhân vật chính của phim: Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh – cặp uyên ương trai tài gái sắc nổi lên như những tượng đài để mọi người ngước nhìn, thán phục. Từng là kẻ thù không đội trời chung, hai người trở thành cặp tình nhân, vượt qua những mối rào cản, họ đã bảo vệ được tình yêu trong sáng, vị tha và giàu tình người. Bỏ qua nỗi oan nghiệt oán oán chất chồng, bỏ qua quyền lực danh vọng, hai người chọn cuộc sống ngao du sơn thủy, nhàn tản tiêu dao, trọn đời bên nhau mãi tấu khúc „Tiếu ngạo giang hồ“ bất hủ. Đến đây, nếu tinh ý một chút người xem đã thấy tư tưởng Lão học hiện rõ.

Xem xong, phải công nhận bộ phim này quá hay, diễn viên đẹp, tình tiết lý thú, những góc quay, hình ảnh trong phim thật tuyệt. Hơn nữa khúc „Tiếu ngạo giang hồ“ đúng là nghe mãi không chán…Tự nhiên vạn bối này cũng muốn tìm một…Nhậm Doanh Doanh nào đó kết duyên „sắt cầm“, bỏ lại „mái đình, làng biển“ để thỏa chí tang bồng…nhưng trộm nghĩ không biết mình sẽ để lại chiếc „áo Dòng và cuốn sách Kinh“ cho ai đây…???!!!

26.07.2011

Friday 8 July 2011

CÓ HAY CHĂNG „MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY“?

„Một ngày như mọi ngày“, sao bỗng dưng hôm nay lại khác thế? Bình minh đến muộn chăng? Không phải! Nhịp thời gian xoay vần, sao mặt trời lại lỡ hẹn được chứ? Tiếng chim vẫn hót, dòng nước vẫn chảy trong con suối nhỏ bên nhà, những nhánh liễu mềm mãi vẫn sải bóng thướt tha…Tại sao lại khác nhỉ?

Cuối cùng tôi cũng tìm được câu trả lời: Thường thì con người chịu tác động bởi ngoại cảnh, nhưng đôi lúc ngoại cảnh lại chịu sơn phết những gam xám buồn bởi những người vốn mang tâm sự, vì „người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“, tiền nhân đã nói thế! Nhưng thật ra tâm trạng tôi cũng không đến nỗi buồn, vì chẳng có lý do gì để buồn, nhưng tự nhiên thấy người uể oải, thân nặng nề, tâm hồn trống trải…sao lại trống trải đến thế?

Như thường lệ, những bản tình ca trước đây mình thích, cứ mỗi lần buồn hay có chuyện gì căng thẳng, nghe một vài bài, niềm vui đã chợt đến, „và con tim cũng đã vui trở lại“; nhưng hôm nay nghe mãi, nghe hoài mà tâm hồn vẫn vô cảm, vẫn mênh mênh mang mang…

Nghĩ cũng lạ. Con người, giống như một mầu nhiệm chưa bao giờ được khám phá hết. Huyền bí. Lúc vui, lúc buồn, lúc dâng tràn niềm hạnh phúc, lúc lại thấy lòng trống vắng đến không ngờ.

Cuộc sống giống như một sân khấu đa chiều. Con người – những diễn viên bất đắc dĩ phải diễn cuộc đời mình trên sân khấu cuộc đời ấy: Cần có những lúc vui, hạnh phúc để thấy đời tươi đẹp, đáng sống. Có những lúc buồn, trống trải, bị bỏ quên để thấy đời cần có những bàn tay chia sẻ, nâng đỡ, có sự liên kết, mang tính xã hội. Có những lúc thành công để thấy những cố gắng, nỗ lực của mình được đền đáp. Cũng có những lúc thất bại để có thể cảm nghiệm được thế nào là ý chí vươn lên.

Cứ thế, có những đau khổ, bị bội phản để thấy được sự diện diện của niềm tin là cần thiết và quan trọng. Có những lúc tuyệt vọng, buông xuôi để nhận ra giá trị của niềm hy vọng mà tiến bước. Có những lúc trầm tư trong giây phút hiện tại để biết được tương lai cần gì và đích đến là đâu. Có những lúc vu vơ tưởng nhớ người này, bỗng dưng một loạt những ký ức đan xen của nhiều người lại đổ về, để thấy được quanh mình vẫn còn nhiều người thương yêu, quan tâm và dõi theo mình trong bước đường nhân sinh…

Từ một sự khác biệt của tâm trạng dường như tiêu cực hôm nay, tôi lại tìm ra được những điều khác biệt tích cực trong cuộc đời. Vì không chỉ con người mới huyền nhiệm mà cuộc đời của con người cũng huyền nhiệm không kém.  Bởi trong cuộc sống có rất nhiều điều bí ẩn và mới lạ để con người khám phá mỗi ngày. Mong rằng đừng lặp lại điệp khúc „một ngày như mọi ngày“ trong cuộc đời, nhưng là mỗi ngày tôi và bạn chọn được những niềm vui, đón nhận những điều mới, hạnh phúc và thành công.

08.07.2011