Friday, 20 May 2011

„VÔ DUYÊN“ HAY „HỮU DUYÊN“

Sáng nay ngồi buồn, những cảm xúc ùa về trong ký ức, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh, giọng nói của một người…Vì „xa người, xa cảnh, xa bến cũ“ nên chuyện „diện đối diện“ bây giờ chỉ còn là dĩ vãng…Ngẫm nghĩ trong giây lát, đâu đó xuất hiện một vài ý tưởng, tuy có thể nông cạn, thô sơ nhưng cũng không ngại ngùng chấp bút ghi lại, biết đâu, có thể sau này nó sẽ trở thành „kỷ niệm lần giở trong kỷ niệm“ chăng?

Mặc dầu xa cách về không gian, môi trường sống, văn hóa, ngôn ngữ… nhưng trong địa hạt tinh thần, chắc chắn ít có ranh giới, ngoại lực hay khoảng cách nào có thể ngăn cản, chia cắt tính liên đới của con người. Chuyện „anh ở đầu sông, em cuối sông“ không còn là vấn đề, vì người xưa có câu: „Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng“ hay „tuy không giáp mặt mà lòng vẫn nhớ thương“ là gì!

Nếu một chiếc lá, là một vật vô tri, lúc lìa cành, tự mình hóa kiếp, trở về với nguồn cội còn bịn rịn với nắng chiều, làn mây thoảng, ngọn gió xuân; với tình bằng hữu sâu nặng, tình huynh muội trong mối tương giao họ hàng "lá" của mình, rồi xao xuyến, chao nghiêng nói lời tiễn biệt, huống hồ là con người có lý trí và con tim, biết suy tư, biện biệt, có tấm lòng sâu thẳm, rộng lớn hơn cả đại dương; là đồng loại, lại không „đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu“ sao?

Nếu „ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau“, thì lúc này, con người, những thực thể cấu thành xã hội lại không thể hiện được bản chất „xã hội tính“ của mình sao? Nhiều người có thể bỏ ra một khoản tiền rất lớn để quảng cáo cho một sản phẩm chỉ xuất hiện một vài giây trên các phương tiện truyền thông. Chẳng lẽ chúng ta không thể hào phóng để một hình ảnh, một giọng nói, một kỷ niệm, một con người cụ thể nào đó xuất hiện qua vùng ký ức của mình miễn phí, mà con người đó thì có giá trị hơn vật chất gấp bội phần?

Trong cuộc sống đôi lúc cũng cần có những tình cờ, ngẫu nhiên, để làm gia vị cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng trong mối tương quan giao tế, cần có những người đi bước trước, chìa bàn tay kết tình thân ái với người đồng loại. Chúng ta không thể „gặp nhau làm ngơ“ hay „vô duyên“ với tha nhân. Ngược lại hãy „hữu duyên“ với họ trong mọi chi tiết nhỏ của cuộc sống: „Hữu duyên“ trong lý trí, trong tình cảm, trong tình liên đới, trong sự đồng cảm, hiểu biết và vị tha; trong sự quan tâm, động viên, nâng đỡ; trong tình yêu thương thật lòng với một con tim độ lượng và bao dung.

Nhớ, thương, yêu…là những yếu tố thuộc bản chất con người, khi thể hiện một trong những yếu tố đó, con người đang chứng minh mệnh đề „tôi hiện hữu trong tha nhân và tha nhân hiện hữu trong tôi“. Ngày xưa, Khổng Tử từng ấp ủ xây dựng xã hội trần thế theo phương châm: „Tứ hải giai huynh đệ“. Đó là một lời mời gọi, một điều mong ước, một cái đích của Khổng Tử trong việc xây dựng một xã hội an hòa và mọi người biết qúy trọng Nhân Nghĩa. Tôi và bạn cũng được mời gọi cùng chung tay góp phần tài năng, trí lực và con tim của mình để xây dựng xã hội mà Khổng Tử mong ước ngày xưa trở thành hiện thực trong thời đại hôm nay.

20/05/2011

Thursday, 19 May 2011

SONG THUYẾT CHÀO ĐỜI!

Suốt một thời gian dài, người ta sùng thượng và quá đề cao lý trí. Đến thời cận đại, Descartes và Kant, hai triết gia tiên phong đặt lại giá trị của lý trí bằng “hoài nghi có phương pháp” và “phê bình lý trí ”.

Descartes xuất hiện, ông muốn trả lại cho triết học nội dung chính xác và minh bạch (claire et distincte). Vì vậy, ông cũng muốn xây dựng triết lý trở thành khoa học chính xác và minh bạch. Vì thế, ông hoài nghi tất cả nhưng hoài nghi một cách có phương pháp. Thế nhưng, có một điều ông không thể hoài nghi đó là: “Cogito ergo sum: tôi suy tư nên tôi hiện hữu”. Theo ông, suy tư và hiện hữu thuộc hồn nên chắc chắn (hồn và xác được Descartes coi như hai thực tại song song). Ông đồng hoá hồn và suy tư là một, khả năng suy tư chứng minh hồn hiện hữu.

Từ đó làm tiền đề cho ông kết luận: khả năng độc đáo của hồn là suy tư, ông cho rằng những gì có trong trí mới là thực, những gì không có trong trí tôi thì coi như không có. Vì ở điểm này mà thuyết Duy tâm được nảy sinh.

Trái lại, Kant cho rằng, khi con người - chủ thể quan sát một đối vật, chúng ta chỉ biết được hiện tượng (phenoméne) bên ngoài bằng giác quan, còn vật tự thân (nouméne) chúng ta không thể biết được.

Theo Kant, hiện tượng nằm trong không gian và thời gian, nhưng không gian và thời gian tiên thiên, chúng có trong đầu tôi, tức bỏ vào những phạm trù có sẵn trong đầu tôi. Do đó, khi tôi quan sát sự vật, tức đưa sự vật vào những phạm trù tiên thiên trong đầu rồi mới biết cái đó là gì . Vì điểm này mà Kant mở đường cho Duy tâm.

Mặt khác, theo Kant, chúng ta chỉ biết được hiện tượng của sự vật, còn vật tự thân, chúng ta không thể biết. Chúng ta biết được sự vật là nhờ hồn, nhưng ở đây ta chỉ biết được vật bằng sờ mó, cân đo, đong đếm. Vì thế, chúng ta chỉ dừng lại ở sự vật. Điều này đã làm tiền đề cho thuyết Duy vật: Tất cả chỉ là vật chất, chỉ vật chất mới thực hữu và Duy vật thuyết cũng được manh nha từ đó.

Tóm lại, sự xuất hiện của Descartes và Kant được coi như cuộc cách mạng “Copernic” về tư tưởng triết học. Nhân loại ghi nhớ công lao to lớn của hai ông, nhưng cũng rất buồn vì từ triết học của hai ông mà đẻ ra nhiều thứ “duy” về sau, dẫn đến chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế cũng như vai trò của Ngài trong vũ trụ này.

NVH