Saturday 20 February 2016

NÓI VỀ “THỊ PHI” - LÀM SAO ĐỂ BÌNH TÂM VỚI “THỊ PHI”?

Vì sao người ta sinh ra có 2 tai, 2 mắt mà chỉ có một cái miệng? Đó là bởi vì con người cần nghe và nhìn nhiều hơn nói. Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.” Ấy vậy mà ít ai chịu hiểu, thậm chí họ còn dùng tai, dùng mắt để hỗ trợ cho cái miệng liên tục “phát thanh”. Nói nhiều cũng không phải cái gì tệ lắm, khổ một nỗi là người ta không kiểm soát cái “nói” của họ cho tốt nên tạo thành biết bao chuyện “thị phi” làm khổ bản thân và người xung quanh.

Thị phi là gì?

Thị phi hiểu đơn giản là dư luận, là lời đồn. Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi” đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói sai thế nào thì nói. Trong bài viết này tôi tạm hiểu thị phi là lời lẽ dành cho một người từ phía những người khác nhau trong xã hội.

Có mấy loại thị phi?

1. Nói quá: Loại này thường gặp nhất, cùng với tư tưởng “không có lửa làm sao có khói” và tinh thần “tam sao thất bản” nên sau vài lần truyền miệng cho nhau thì “sự thật” trở nên vô cùng to lớn và nguy hiểm. Ví dụ: người A thấy cô Y về nhà lúc 11h đêm, gặp người B nói: “Dạo này con Y hay đi đâu về khuya lắm, có hôm 1 giờ sáng mới mò về.” Xong người B gặp người C nói: “Con Y giờ ăn chơi nhậu nhẹt dữ quá, khuya lơ khuya lắc mới về nhà.” Người C lại nói với người D: “Con Y hư hỏng thật rồi, bỏ nhà đi mấy hôm mới về đấy!”….(truyện dài kỳ, thôi không kể nữa)

2. Đặt điều nói xấu: Loại này ít hơn, nhưng cũng ác hơn! Thường là họ ghen tức một điểm gì đó ở đối tượng nên tìm cách bôi nhọ cho thỏa lòng, họ sẽ đặt ra một số “giả thuyết” và suốt ngày nói về nó kiểu: “Không làm gì bất chính làm sao giàu thế được” hay “Nhìn nó xinh vậy chứ ai biết nó che dấu chuyện gì, hôm nọ tôi thấy…”

3. Châm chích quá khứ của người khác: Loại này là ác nhất. Họ nói những chuyện có thật, nhưng đó là những lỗi lầm của đối tượng trong quá khứ. Chuyện đã qua rồi nhưng họ cứ nhai đi nhai lại, hiện tại người ta đã thay đổi nhưng với họ thì người đó vẫn xấu xa và họ muốn cả thế giới biết điều đó. Có vẻ như người khác tốt lên thì họ không cam tâm vậy.
Như 3 loại tôi vừa kể trên là những loại thị phi từ những kẻ vô tri cho đến kẻ xấu, có thể còn một số loại khác nữa.

Làm sao để bình tâm với thị phi?

1. Tuyệt đối đừng tranh cãi, thanh minh với những người cố tình đặt điều nói xấu bạn, điều đó chỉ tạo thêm hứng thú cho họ mà thôi. Càng nói nhiều sẽ càng xuất hiện nhiều điểm sai lầm để cho họ phanh phui, mổ xẻ. Hơn nữa những người ngoài cuộc cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn.

2. Im lặng, phớt lờ: đây là giải pháp được khá nhiều người lựa chọn, và nó cũng hữu hiệu trong khá nhiều trường hợp, nhưng không phải là giải pháp ổn thỏa và lâu dài. Hãy tưởng tượng giống như bạn mặc áo mưa và đi trong mưa vậy, dù áo mưa có tốt cỡ nào nhưng nếu bạn đi lâu, thật lâu trong mưa thì vẫn lạnh và ướt. Im lặng và nhẫn nhịn với những cơn mưa nhỏ thôi.

3. Giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng khó khăn nhất là thông cảm: đây cũng giống như việc mua một cái áo mưa và mua một cái nhà để che mưa vậy, nhưng nếu bạn mua được cái nhà thì sẽ không còn sợ mưa gió nữa, lúc đó bạn có thể thoải mái ngồi ngắm mưa. Khi có người công kích, nói xấu bạn, trước hết hãy dành thời gian nhìn lại bản thân mình theo những gì người đó nói, có bao nhiêu phần trăm là đúng. Đừng tức giận, bỏ quên người nói đó đi và tập trung tìm hiểu bản thân bạn, như vậy vừa lợi vừa không tức giận. Bước tiếp theo là thông cảm cho người nói xấu mình: tại sao họ phải làm điều đó? Họ tức giận như thế nào, họ được giáo dục ra sao? Nói vậy thì có lợi, có hại gì cho họ…. Lúc này bạn hoàn toàn đi suy nghĩ cho người kia mà quên luôn họ đang nói xấu bạn. Khi hoàn thành bước này, bạn lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho họ, chỉ vậy thôi.

4. Dùng biện pháp mạnh khi cần: Cuộc đời không phải thiên đường nên vẫn còn nhiều kẻ ác. Vâng, ác chứ không phải xấu bình thường nữa. Nghĩa là khi bạn đã phớt lờ, lặng im, thông cảm mà họ vẫn cứ làm tới, làm hoài. Có thể họ bị sai khiến hay là nguyên nhân nào khác nhưng họ không chịu buông tha bạn mà vẫn tiếp tục đặt điều nói xấu, bôi nhọ danh dự bạn thì tốt nhất là bạn lẳng lặng thu thập chứng cứ và kiện ra tòa. Xin nhớ nguyên tắc đầu tiên là đừng tranh cãi với họ làm chi vô ích nhé. Hy vọng bạn không bao giờ phải dùng đến bước này.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói:

“Every saint has a past, every sinner has a future.”
Nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai.”

Chúng ta đều là người, chẳng ai hoàn hảo. Hãy tha thứ và nhìn nhau bằng những mặt tốt đẹp, hãy khen tặng và động viên nhau để cùng phát triển chứ đừng trù dập, mỉa mai nhau. Bạn chẳng thể nào cao hơn chỉ bằng việc đạp người khác xuống đâu. Xin được kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện của Socrates mà tôi rất tâm đắc:

Chuyện gì nên nói?
Nguời hàng xóm đến gặp Socrates.- “Này ông Socrates ơi, ông có nghe chuyện này chưa?”
– “Khoan đã!” -Socrates ngắt lời người hàng xóm- “Anh có chắc rằng tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?”
– “Ồ… cũng không chắc nữa. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.”
– “Thế à, Vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Đó có phải là một chuyện tốt không?”-Socrates hỏi.
-“À không, không tốt. Đây là một chuyện xấu.”
– “Chà, anh có nghĩ tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay cho người khác không?”
– “Ờ, ờ… quả thực cũng không cần lắm,”- Người hàng xóm trả lời.
“Tốt lắm,”- Socrates kết luận – “Vậy thì chúng ta hãy quên nó đi, bạn nhé. Còn có vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống. Chúng ta không thể mất công bận tâm tới những chuyện tầm phào, những chuyện vừa không đúng, vừa không tốt, vừa không cần thiết cho ai.”

Chúc bạn luôn an lành, và mong bạn để người xung quanh được an lành.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Sunday 26 July 2015

NHỮNG SAI LẦM TRONG QUAN NIỆM TÌNH YÊU

Ở thời đại của chúng ta, con người không chỉ rơi vào khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin… mà còn khủng hoảng tình yêu. Chưa bao giờ tình yêu được người ta hô hào nhiều đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ tình yêu lại nhạt nhẽo đến thế. Tại sao lại có hiện tượng này? Người ta có thể đổ tội cho Internet và sự đua đòi vật chất, nhưng ngẫm lại thì đấy không phải nguyên nhân cốt lõi. Người ta nói: “Tình yêu chỉ có một, còn những thứ na ná tình yêu thì vô số”. Ngay cả điều đó cũng không còn đúng nữa. Tất cả chúng ta đều rất dễ dàng bị mắc kẹt trong ảo tưởng về tình yêu.

Không rõ từ khi nào khái niệm “tình yêu” xuất hiện, nhưng mỗi người lại có một khái niệm riêng, mỗi nền văn hóa, mỗi hệ tư tưởng, lại có cách định nghĩa khác nhau nhau về tình yêu. Nhưng tất cả những tư tưởng, quan niệm, góc nhìn về tình yêu… đều nhảm nhí hết! Chính bản thân sự định nghĩa hay mô tả về tình yêu đều trở thành một cái khung trói buộc nó trong đó.

Ngày nay, sự va chạm của thông tin đã khiến cho tất cả những góc nhìn, quan niệm, tư tưởng ấy bị vỡ vụn. Liệu đây có phải là một cái gì đó đáng lo ngại về tương lai của nhân loại? Tôi không cho là như thế. Ở những thời đại trước, một người không quá khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu đích thực của mình. Thường thì người đó sẽ lựa chọn những người bạn có cùng góc nhìn, quan điểm, tư tưởng và đạt một số tiêu chuẩn nào đó của bản thân. Ví dụ như chàng Romeo si tình sẽ phải đóng cặp với nàng Juliet thuần khiết; sẽ thế nào nếu Romeo cặp với nàng Carmen gợi tình và phóng đãng? Cái khó khăn của thời đại trước là những ngăn cấm của dòng tộc, đẳng cấp… khiến hai người yêu nhau gần như không thể đến với nhau. Nhưng sự va chạm liên tục của các góc nhìn, quan niệm và tư tưởng giống như hiện nay đã trở thành thách thức với tình yêu theo kiểu truyền thống. Sự va chạm này khiến con người phải đặt lại sự nghi ngờ với những gì mình đã từng bị cài đặt hoặc đã từng tin tưởng do ảnh hưởng của quá khứ, như từ bố mẹ hay các tác phẩm nghệ thuật…

Bởi thế, câu nói “Tình yêu chỉ có một, còn những thứ na ná tình yêu thì vô số” đến nay không còn giá trị nữa. Trong câu nói này, “tình yêu” được ngầm định nghĩa như một mối quan hệ gắn kết thực sự giữa hai người. Câu nói này trong nhiều thế hệ đã gieo rắc một ảo tưởng lớn trong tình yêu: rằng mỗi chúng ta sinh ra đều có một nửa đích thực của mình lưu lạc ở ngoài kia. Vấn đề là không bao giờ có cái gọi là “một nửa đích thực” để khỏa lấp những gì trống trải trong ta.

Chúng ta đều đang bị một loại mặc cảm: mặc cảm Pigmaleon. Thời Hy Lạp có người nghệ sĩ điêu khắc vĩ đại tên là Pigmaleon. Chàng đẽo được từ đá cẩm thạch hình ảnh một người phụ nữ tuyệt mỹ và đặt tên là Galatea rồi suốt ngày âu yếm bức tượng mà không đoái hoài đến bất cứ cô gái nào khác. Thần Vệ Nữ đã ban cho bức tượng sự sống, hai người đã có một thời gian ân ái đằm thắm… Cho đến một ngày Pigmaleon bắt đầu thấy nhạt… , chàng ta lại quay về ngồi tiếc nuối bức tượng tuyệt mỹ mà nay đã là nàng Galatea bằng xương bằng thịt.

Bạn có thấy rằng chúng ta giống chàng Pigmaleon ấy không? Chúng ta vẽ ra trong đầu một hình ảnh về tình yêu lớn trong cuộc đời mình với đầy đủ các tiêu chuẩn và thường có xu hướng yêu những người đạt được phần nào các tiêu chuẩn ấy. Nhưng qua thời gian, chúng ta nhận thấy rằng anh ấy/cô ấy không giống như mình tưởng tượng, và mối quan hệ bắt đầu nhạt dần. Lúc ấy, hoặc là chúng ta chia tay để tìm kiếm một người khác giống với sự tưởng tượng hơn, hoặc chấp nhận mối quan hệ nhạt nhẽo ấy và gắn vào đó những lợi ích theo tiêu chuẩn xã hội.

Nhưng chẳng lẽ tình yêu đích thực chỉ có giữa ta với lý tưởng về người tình của ta? Nếu vậy, chẳng hóa ra mọi câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu đều đáng vứt vào sọt rác? Chẳng lẽ cả thế giới đều sống trong ảo giác về tình yêu? Điều này cũng không đúng nốt. Tình yêu không phải là trò lừa dối vĩ đại của nhân loại, nhưng tình yêu lại là một điều “bất khả tri”.

Chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu khi bó hẹp tình yêu trong phạm vi của mối quan hệ. Tình yêu không phải mối quan hệ. Nếu nó chỉ đơn thuần là mối quan hệ thì nó quả thực là… nhạt nhẽo. Mối quan hệ là một điều khả tri, tức là chúng ta có thể nhận định về nó thông qua một vài tiêu chuẩn. Trong một mối quan hệ, dù thế nào đi chăng nữa, hai người luôn có xu hướng ngầm đạt tới một sự thỏa thuận sao cho có lợi cho cả hai. Điều này khiến cho mối quan hệ yêu đương chẳng khác mấy chuyện làm ăn buôn bán. Tôi cho anh một cái gì đó, anh cho tôi một cái gì đó tôi trông chờ để đáp lại, và chúng ta gọi đó là tình yêu? Nếu người kia đáp lại ta bằng một cái gì đó chúng ta không mong muốn, hoặc có thể là không đáp lại, chúng ta vội vàng oán trách đối phương là bạc bẽo, không chung tình và vô cảm.

Quá trình trao đổi này cứ lặp đi lặp lại, đến mức nếu chỉ một lần sự cho đi và đáp lại không đúng quy trình thì mối quan hệ lập tức lung lay và có nguy cơ tan vỡ. Sự nhạt không thể tránh khỏi khi các mối quan hệ cứ diễn ra như vậy. Ngay cả ở những thời đại trước, tình trạng “nhạt” này cũng xảy ra, đặc biệt là trong các gia đình quý tộc và giàu có. Bởi vì, càng có đời sống cao (cả vật chất lẫn tinh thần), hình mẫu lý tưởng của một người cũng theo đó mà tỉ lệ thuận và khả năng thất vọng về mối quan hệ yêu đương của mình lại càng lớn. Còn ở thời nay, hình mẫu lý tưởng của chúng ta không chỉ được quy định bởi truyền thống mà còn bị ảnh hưởng do sự thổi phồng của truyền thông đa chiều. Chúng ta bước chân vào mối quan hệ vội vã hơn, khám phá nhanh hơn đối tượng của mình, để rồi cũng nhanh chán hơn.

Nếu có thể ví tình yêu giống cái gì, chỉ có thể ví tình yêu như không khí. Không khí vô định hình, bao trùm tất cả nhưng ở trong tất cả, mang lại sự sống cho vạn vật một cách tự nhiên, miễn là vạn vật vẫn còn khả năng hấp thu nó. Khi chúng ta đóng kín trong một khuôn mẫu nhất định về tình yêu, chúng ta sẽ mất dần đi khả năng tiếp nhận tình yêu từ người khác, cho đến một ngày chúng ta hoàn toàn đóng kín và ở bên trong ta chỉ còn là “trạng thái chân không” của sự trống rỗng. Nhưng nếu chúng ta không cố định hình tình yêu thì sẽ không có ảo tưởng nào cả và càng không phải lo lắng về sự nhạt nhẽo hay đổ vỡ. Đương nhiên việc này không dễ. Vì tâm trí chúng ta cần phải hiểu về tình yêu, chúng ta có tham vọng điều khiển được tình yêu và áp đặt nó theo ý chúng ta muốn. Nhưng nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên một câu vô cùng chính xác về đặc tính của tình yêu: “Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết”.

Nhà phân tâm học Enrich Fromm đã nói về tình yêu rất hay khi ông cho rằng động lực của con người khi tìm kiếm tình yêu là một ham muốn hòa hợp. Nếu con người để tình yêu tuôn chảy tự nhiên như không khí thì con người đã có thể đạt tới sự hòa hợp mà không cần bất cứ sự nỗ lực nào. Khi ấy, chúng ta chẳng cần phải cứ khăng khăng hướng tình yêu của mình đến một đối tượng nào đó cụ thể, chúng ta có thể hướng tới vạn vật.

Chúng ta có thể để tình yêu tuôn chảy khi rung động trước vẻ đẹp của một bông hoa, khi chơi một bản nhạc ngẫu hứng, khi mê đắm trong thế giới kỳ diệu của ngôn từ và hình ảnh… thậm chí là khi chỉ có một mình và cảm thấy tràn ngập tình yêu. Tình yêu ấy có thể hướng tới một người nào đó cụ thể và hãy hết mình trong mối quan hệ ấy mà không cần trông chờ bất cứ một sự đáp lại nào. Khi nó kết thúc, không có nghĩa tình yêu mất đi, mà đó là lúc chúng ta đang cần hướng dòng chảy tình yêu theo một con đường khác. Tại sao phải quá nặng nề trong nỗ lực nắm bắt một cái gì đó vô định hình. Người ta có thể đóng chai không khí nhưng không thể đóng chai tình yêu.

Và chỉ có giải phóng cho tình yêu khỏi những ràng buộc, chúng ta mới đạt tới sự hòa hợp mà nhân loại hàng ngàn năm vẫn không ngừng đeo đuổi.

Hà Thủy Nguyên



LUẬN VỀ „HIỂU“ VÀ „BIẾT“

“Bây giờ toàn những người chỉ biết mà không hiểu” hay “Người Việt Nam không hiểu cái gì sâu cả, chỉ toàn biết sơ sơ”… những nhận xét như vậy đã trở thành một điệp khúc của những người than thở về sự xuống cấp của văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa thời đại Internet nói chung. Điệp khúc ấy khiến tôi phải dừng lại và suy nghĩ, đâu là mối quan hệ giữa “Hiểu” và “Biết”?

Ý nghĩ đầu tiên khi bước chân vào dòng suy nghĩ này đó là câu thành ngữ của người Trung Hoa:“Họa hổ, họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Có nghĩa là: “Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương/ Biết người, biết mặt, không biết lòng”. Từ “Biết” tiếng Hán là “tri”. Người Á Đông rất coi trọng sự “biết”. Có một sự khác biệt lớn về cấp độ nhận thức giữa “kiến thức” (những điều trông thấy) và “tri thức” (những điều đã đạt đến độ biết). Tức là “kiến thức” chỉ nằm ở cấp độ vẽ da con hổ mà thôi, còn cấp độ của “tri thức” là cấp độ của việc nhận thức điều gì đó cả trong lẫn ngoài. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta có nhiều kiến thức thì sẽ  có tri thức, bởi lần mò, sờ mó khắp bộ lông con hổ, bạn có thể thấu suốt được bên trong của nó.

“Biết” tiếng Anh là “know”. Dấu vết đầu tiên của từ “know” có thể thấy trong từ “cnawlece” tương đương với “acknowledgment of a superior, honor, worship”, có nghĩa là “kính ngưỡng một lực lượng siêu nhiên, tôn vinh, thờ phụng”. Tiếng Anh thời Trung Cổ có từ “knoulechen”, sau này chuyển thành “acknowledge” với ý nghĩa “nhận ra” hay “giao hòa”.

Qúa trình tìm hiểu từ nguyên của từ “know” này thật sự khiến tôi thích thú, bởi những gì tôi nhận thức về sự “biết” lại rất gần với ý nghĩa cổ xưa. Đứng trước một sự việc, khi chúng ta không ở trong nó thì chúng ta không thể biết về nó. Tiếp xúc với một sự vật nếu không có sự giao hòa về mặt năng lượng với sự vật thì không thể gọi là “biết” sự vật ấy. Đây chính là nguyên lý mà các cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp vẫn nhắc tới, khi người và kiếm hợp nhất. Bái Hỏa giáo do Zarathustra sáng lập, tôn giáo cổ xưa nhất của loài người có hình thức chiêm nghiệm ngọn lửa và chỉ thực sự biết về lửa khi người và lửa hợp nhất. Một cách gần gũi hơn, Đức Phật chỉ biết về Niết Bàn khi nhập vào Niết Bàn, Jesus chỉ biết được Thượng Đế khi hòa làm một với Thượng Đế. 

Rõ ràng, dù ở từ “tri” của tiếng Hán hay “know” của tiếng Anh, ta đều thấy sự khẳng định rằng chúng ta không thể biết được một điều gì đó nếu chưa từng thấy và trải qua điều đó.

“Hiểu” có tiếng Hán là “thông” và tiếng Anh là “understand”. Tiếng Anh Cổ là “understandan” với ý nghĩa “bao hàm và nắm bắt ý tưởng”. Từ “thông” trong tiếng Hán cũng có cách hiểu là đào sâu một vấn đề nào đó để thấu suốt nó. Nói một cách ngắn gọn, “hiểu” chính là nắm bắt được bản chất của vấn đề.

Không biết từ bao giờ người Việt có lối nghĩ rằng việc “hiểu” quan trọng hơn việc “biết”, có thể là từ khi xứ ta được tiếp xúc với lối tư duy logic và cho rằng logic là cách duy nhất để đạt được sự hiểu biết. Nhiều người đã đồng nhất sự “hiểu” với tính logic, nhưng logic chỉ là một phương pháp tư duy để dẫn đến việc hiểu. Bên cạnh quá trình tư duy logic, những nhà khoa học vĩ đại còn mơ hồ nói đến một sự “hiểu” trong trạng thái vô thức, hay người ta vẫn gọi một cách chung chung là “trực giác”. Vì lý do nào đó, tự nhiên, trong khoảnh khắc, một người hiểu được vấn đề mà trước đó họ phải mất rất nhiều công sức để tư duy mà không thể tìm ra.

Vậy thì đâu là sự tương tác giữa “Hiểu” và “Biết”? Làm sao một người có thể “hiểu” vấn đề nếu không từng thấy và biết ở bề mặt của một vấn đề nào đó? Và làm sao người ta có thể đạt đến mức độ “giao hòa” của sự “biết” nếu không qua quá trình tìm tòi đến mức thông hiểu bản chất của vấn đề. Có vẻ như “hiểu” là chiếc cầu giúp chúng ta bắc từ trạng thái bên ngoài của sự vật, sự việc để vào đến cốt lõi và hơn cả thế, trải qua quá trình hợp nhất với điều ta đang khám phá.“Biết” có nhiều cấp độ, và “hiểu” giúp ta gia tăng cấp độ, mở rộng đường biên của sự biết.

Trang Tử trong chương Thu Thủy của Nam Hoa Kinh có một đoạn luận rất hay về tương quan giữa hiểu biết của con người và vũ trụ: Sự hiểu biết của con người chẳng qua chỉ như một giọt nước giữa đại dương mênh mông, nhưng tham vọng của con người lại chính là hiểu biết về đại dương đó. Bởi thế, từ Cổ chí Kim, bất luận Đông Tây, các học giả vẫn mải miết đi tìm bản chất của thực tại, các quy luật vận hành vũ trụ, hay theo ngôn ngữ của phương Đông là Đạo. Và cho dù có nhiều học thuyết đến đâu thì không một học thuyết nào có thể thỏa mãn nhân loại. Đó là một quá trình nhận thấy, biết, hiểu, biết sâu hơn, nhận ra thêm một điều gì đó, rồi lại hiểu và biết sâu hơn nữa… Và có lẽ ở mức độ biết cao nhất, sâu nhất, rộng nhất, đó là nhập làm một với vũ trụ, giống như giọt nước sẽ có tri thức về đại dương khi trở thành một phần của đại dương ấy. Phải chăng, đây chính là ý Lão Tử ngầm gửi gắm trong câu “Khi chưa tu Đạo thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông; mới tu Đạo thì núi không còn là núi, sông không còn là sông; đến khi đắc Đạo thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”. Tuy nhiên, tôi vẫn không dám chắc rằng đó là giới hạn cuối cùng, bởi lẽ tôi chưa đạt đến mức độ biết đó, và giống như một Thiền Sư nhà Trần đã viết:

“Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.”
Quảng Nghiêm Thiền Sư
(Dịch nghĩa: “Chưa đến cõi chết thì không bàn về việc chết/ Sống mà không phụ thuộc vào sự sống thì mới được giảng về sự không sống)

Quay trở lại vấn đề “Hiểu” và “Biết”, sự mênh mông của tri thức có lẽ là điều không còn gì phải bàn cãi. Tôi tin rằng, cho đến bây giờ, không một khoa học gia, một triết gia nào còn dám vỗ ngực rằng mình hiểu bản chất của một hạt cát chứ đừng nói rằng hiểu được vũ trụ. Bởi cứ mỗi lần nhận thấy điều gì đó trong quá trình tìm tòi, họ lại giật mình nhận ra rằng hóa ra những điều mình biết trước đây là sai lầm hoặc thiếu sót.  Sự nhận ra này trở nên nhanh chóng hơn ở thời đại ngày nay, khi thông tin nhiều hơn, thế giới vận hành mạnh mẽ hơn… Chỉ cần khi mới chạm được đến sự biết nào đó thì lập tức các dữ kiện mới xuất hiện và phá bỏ cách hiểu trước đó.

Cái duy nhất con người có thể chắc chắn biết được đó là chúng ta không hiểu biết gì nhiều lắm về vũ trụ, về thế giới, về xã hội và về chính bản thân chúng ta. Mọi thứ chúng ta tưởng là chúng ta biết có thể rằng chúng ta còn chưa từng nhìn thấy, chưa từng trải nghiệm, và chắc chắn rằng chúng ta không thể có sự hiểu hay hòa nhập với nó. Bằng một cách nói quen thuộc mà tôi hay sử dụng, thì đó là ảo tưởng về sự “Biết”, bởi chúng ta chỉ tiếp xúc với sự vật, sự việc bằng các khái niệm trừu tượng trong từ điển hay những quyển sách diễn giải dài ngoằng của các nhà lý thuyết. Lý thuyết không phải tất cả, lý thuyết chỉ là một quá trình diễn ngôn về sự hiểu và sự biết của một nhà lập thuyết. Sự biết ấy có giới hạn và đến một lúc nào đó, khi bị đặt sang một không gian khác, tình huống khác, lý thuyết ấy không còn đúng nữa. Tóm lại, lý thuyết có thể chỉ là một sự đúc rút kinh nghiệm ở cấp độ cao, sâu và rộng. Mà vấn đề là không có cao cực cao, sâu cực sâu, rộng cực rộng, vì không có giới hạn cho điều này. Chúng ta  đọc được những lý thuyết ấy, nắm bắt được phần nào các khái niệm, và chúng ta tưởng rằng chúng ta đã biết. Đúng là chúng ta đã biết, nhưng chúng ta chỉ biết cái mường tượng, cái ảo ảnh được vẽ ra trong đầu dựa trên lý thuyết ấy.

Có một nguyên tắc quan trọng trong con đường khám phá, đó là phải bỏ lại những sự “Biết” và sự “Hiểu” trong quá khứ của mình. Nếu không bỏ lại, chúng ta không thể phá vỡ các giới hạn của nhận thức, không thể mở rộng đường biên, Điều này tương đồng trong phép tu Vô Ngã. Mọi thứ ta thấy đều chỉ là ảo tưởng, khi vứt bỏ ảo tưởng này, ảo tưởng khác lại xuất hiện. Qúa trình vứt bỏ liên tục, quá trình đi sâu hơn nữa, vươn cao hơn nữa, trải rộng hơn nữa là quá trình để chúng ta đạt tới sự hiểu biết thật sự.

Đây chỉ là những hiểu biết của tôi về sự Hiểu và sự Biết. Có thể ngày mai, ngày kia hay một thời gian ngắn nữa, những điều tôi đã nhận thức ở đây không còn đúng nữa và tôi sẽ lại phá vỡ những giới hạn này để hiểu biết hơn về chính sự Hiểu Biết.

Hà Thủy Nguyên


Monday 25 May 2015

Thuyết hiện sinh: "Tiến lên để sống"

Trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, một sinh viên đứng trước sự lựa chọn khó khăn: trốn sang Anh để tham gia cuộc kháng chiến hoặc ở lại để chăm sóc người mẹ già yếu, cô độc mà anh là chỗ dựa duy nhất. Tham gia kháng chiến vì "đại nghĩa", nhưng chưa chắc đóng góp được gì nhiều. Ở lại vì đạo hiếu riêng tư, nhưng vắng anh, người mẹ chắc không thể sống sót. Anh có thể xin lời khuyên từ các vị linh mục, nếu anh là tín đồ. Nhưng, có linh mục cộng tác với địch, có linh mục kháng chiến và có cả linh mục trùm chăn. Chọn hỏi người nào cũng tức là mặc nhiên đã chọn trước câu trả lời! Nếu chọn hỏi Jean-Paul Sartre, người thầy giáo chủ trương thuyết hiện sinh, chắc hẳn Thầy Sartre sẽ trả lời: "Anh tự do. Anh hãy suy nghĩ, chọn lựa và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình!". Nói cách khác, chẳng có một nguyên tắc, một đạo lý có sẵn nào (triết học gọi là "tiên thiên"/a priori) quyết định hộ cho anh được cả. J. P. Sartre, trong luận văn nổi tiếng "Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản" (1946, bản tiếng Việt của Đinh Hồng Phúc, sắp xuất bản) nêu trường hợp éo le ấy như một điển hình cho vô vàn tình huống nan giải của đời người, chẳng hạn: có nên bắn hạ một máy bay chở khách khi bị bọn khủng bố chiếm giữ và sắp lao vào chỗ đông người? Có nên ngăn cản sự tiến bộ của khoa học trong nghiên cứu tế bào gốc và nhân bản người? v.v.. và v.v..

Đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để cảm nhận sự tự do vừa như gánh nặng vừa như nghĩa vụ, là tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, tra hỏi về khả thể của tự do và phẩm giá ngay cả trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất. Triết thuyết hiện sinh ít bàn trực tiếp về giáo dục ("rao giảng", "dạy dỗ" là những gì thật xa lạ với tinh thần thuyết hiện sinh!), nhưng, đúng như nhà giáo dục học R. Reichenbach nhận xét, "bất kỳ nhà giáo "giỏi" nào cũng đều là một nhà theo thuyết hiện sinh! Điều này người ta thường quên hay không hề biết đến. Nhưng thật đáng nhắc lại và không bao giờ là muộn! Tất nhiên, không có nghĩa là một nền sư phạm "hiện sinh chủ nghĩa" là hoàn toàn đầy đủ. Không, không ai bảo thế cả!"



"Lùi lại để hiểu, tiến lên để sống!"

Câu nói trên đây của S. Kierkegaard, một trong những triết gia tiền phong của thuyết hiện sinh, tóm gọn tinh thần của triết thuyết. "Lỗi lầm" là động lực thường trực để con người biết ngoái nhìn lại quá khứ, thấu hiểu và cảm thông. Còn "tiến lên để sống" là dũng cảm đề ra những dư phóng cho tương lai, với ý thức đầy đủ về hoàn cảnh giới hạn về nhiều mặt của chính mình cùng với trách nhiệm phải gánh vác trước tha nhân và cộng đồng, tức, thật sự sống "hiện sinh", hoặc buông xuôi, mê muội, vô ý thức. Trong trường hợp trước, ta quan tâm đến câu hỏi: làm sao thực hiện sự tự do hay, ta tự định hình mình như thế nào? Khác với "chủ nghĩa hư vô", thái độ "hiện sinh" không bao giờ là bi quan, yếm thế, dù không muốn tự gọi là "lạc quan". Tự do, trong triết hiện sinh, là tự do tích cực, chủ động, là tự do "để làm gì", chứ không chỉ là tự do thoát "khỏi cái gì". Khi không hài lòng với trực trạng, thì, theo nghĩa "hiện sinh", ta phải hành động để thay đổi nó đi. Cho dù khó có thể hình dung một dự phóng cho toàn bộ lịch sử và xã hội, tín niệm của thuyết hiện sinh vẫn là tự mình hãy "tạo nên" ý nghĩa cho nó. Ý nghĩa và giá trị chỉ hình thành qua hành động, dù trong nghịch cảnh, nếu không muốn kéo lê đời mình trong sự nhàm chán: rút cục, ta có thể kết luận rằng hành động của ta là vô nghĩa, phi lý, hoặc ta tìm thấy ý nghĩa trong hành động cụ thể (chứ không ở đâu khác được!).

Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.

Khẩu hiệu có lẽ trứ danh nhất của thuyết hiện sinh Pháp (Sartre) rằng hiện hữu có trước bản chất muốn nói rằng ta không hề hay biết một "bản tính" hay "bản chất" có sẵn nào đó của con người để, chẳng hạn, dùng làm định hướng hay đường lối bất biến cho giáo dục, luân lý và sự phát triển xã hội, hoặc để từ đó, xác định chỗ đứng của con người trong vũ trụ. Đúng hơn, ta "bị ném vào cuộc đời" và không có bản tính định sẵn nào cả. Mặt tích cực của quan niệm này là: khi dự phóng, quyết định, hành động, ta "tự tạo ra chính mình". Thuyết hiện sinh, theo cách hiểu ấy, đã ảnh hưởng rộng rãi ra khỏi Tây Âu vốn là cái nôi của nó. Một trong những nhà triết học giáo dục quan trọng nhất của nước Mỹ là Maxine Greene (1917-2014) phát triển tư tưởng hiện sinh, xoay quanh chủ đề: Tự do như là Thực tiễn. "Tự do", theo bà, không phải là nhờ sống trong một "nước tự do", mà vì ta sống theo một cách thế tự do. Theo Greene, vấn đề cốt lõi là làm sao thực hành tự do bên ngoài vai trò và chức năng định sẵn (trong trường hợp của bà là: người Mỹ, phụ nữ, da trắng, trí thức..)? Lý tưởng (cao) của giáo dục là ở chỗ làm cho con người có năng lực "siêu việt" lên khỏi vị trí hầu như đã được an bài và khó tránh khỏi ấy. Vậy, chính "con người cụ thể", chứ không phải bản tính nhất định nào, vẫy gọi con người hãy tự sáng tạo chính mình. Trong diễn trình ấy, những vấn đề chỉ được đặt ra cho từng con người cá nhân cụ thể để giải đáp và tiếp tục tìm tòi, vươn tới.

Triết hiện sinh, như thế, không phải là triết học trường ốc với sách vở mốc meo, mà là hoạt động: triết học là làm triết lý. Ý nghĩa của hoạt động này, nói như Karl Jaspers, là góp phần "soi sáng" hiện hữu của con người trong một hoàn cảnh nhất định. Chức năng của nó là cho ta thấy rằng cá nhân mình là duy nhất, là tự do, là có thể chọn lựa, dù ở trong bất kỳ tình huống nào.


Theo một nghĩa rộng nào đó, hầu như không triết gia hay nhà giáo dục nào không là "nhà hiện sinh"! Socrates cũng thế, John Dewey cũng thế. Tuy nhiên, triết thuyết (giáo dục) hiện sinh, theo nghĩa chặt chẽ, là sản phẩm độc đáo và sâu sắc của thế kỷ 20, một "thế kỷ ngắn" đầy những cực đoan, nói như Eric Hobsbawm hay "thời đen tối" dưới con mắt của Annah Arendt, sẽ được tiếp tục tìm hiểu qua vài nét thật đặc sắc của nó.

Bùi Văn Nam Sơn 

Monday 20 October 2014

DỊU DÀNG SẮC THU











Thu về sớm miên man làn gió thoảng
Kéo nắng chiều rơi nhẹ trên khóm cây
Bát ngát trời hoa lá quyện trong mây
Họa nét thơ trên mặt hồ gợn sóng.

Có giọt nắng rơi vào miền thầm lặng
Hong tóc mềm trong chiều thu lá bay
Có nàng Thanh…chiều nay như bỗng say
Muốn ôm cả sắc thu về gác nhỏ.

Cũng có lúc muốn gửi vào trong gió
Những ước mơ khi ngày mới sắp sang
Nhờ nắng thu dọi chiếu muôn ánh vàng
Nhuộm tương lai huy hoàng muôn sắc thắm.

Này yêu dấu, có hay mùa thu gọi
Dịu dàng em pha lẫn sắc thu êm
Thành kỷ niệm như nhạc khúc êm đềm
Cho anh níu thu về trong mắt em.

20.10.2014
Viết tặng T.T.


Sunday 21 September 2014

„CHẠM“!

Tình cờ, đọc một bài viết trên mạng, tựa đề „Chạm“, tuy bài viết ngắn gọn nhưng ấn tượng, liền nghĩ ngay, chắc mình cũng nên viết điều gì đó về „Chạm“. Nếu không thể diễn đạt được thế nào là „chạm“, có thể hiểu cách khác như: rờ, đụng... Hoặc nếu „chạm“ không đủ mạnh, cũng cố gắng „chạm“ nhẹ xem sao!

Mọi hoạt động của con người đều cần đến sự đụng chạm của trí óc, có nghĩa là động não. Từ ý tưởng, con người hành động, qua tứ chi, qua các giác quan.

Từ những lần „chạm“ bởi những hoạt động ngày thường, ta „chạm“ vào quá khứ, hoài niệm về những việc đã qua, những mối tương quan gia đình, bè bạn, xã hội…

Ta „chạm“ vào giây phút hiện tại, đối diện với bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, và không quên „chạm“ vào những kế hoạch, chương trình, dự định cho tương lai. Đó là ý chí, quyết tâm, tìm con đường tốt nhất để bước vào tương lai với xác suất thành công nhiều hơn.

Ở phương diện tinh thần, ta dường như „chạm“ vào mầu nhiệm của sự sống, quy luật thời gian và sự vận hành của vũ trụ. Ta „chạm“ vào khoảng không huyền bí, và không ngừng khao khát „chạm“ vào Đấng Siêu Việt, là Thượng Đế, chủ tể muôn loài.

Một điều rất lý thú, đó là „chạm“ trong phương diện tình cảm. Con người gặp gỡ, đối diện, tương quan qua lại, dẫn đến những ấn tượng, cảm thấy thích, rồi nhớ, thương… đến những lần „chạm“ qua thị giác, khứu giác, xúc giác...Nếu „chỉ một lần chạm nhẹ cũng làm lòng ai xao xuyến“, thì nhiều lần „chạm“ nhẹ cũng có thể trở thành cường độ như sóng biển dâng tràn, cho người ta có cảm giác như đất trời hòa hợp, giao duyên.

Hãy „chạm“ vào phương diện tri thức để thấy những điều mình đang thiếu và cố gắng thủ đắc. „Chạm“ vào ý chí để tìm thấy con đường mình nên đi và không bao giờ có ý định bỏ cuộc. „Chạm“ vào cuộc sống, các mối tương quan…để thấy mình cần những kỹ năng cho cuộc sống và cho các mối tương quan giao tế. „Chạm“ vào trái tim để biết yêu thương, biết trân quý những tình cảm, sự hy sinh mà những người yêu thương, gần gũi đã dành cho mình, qua đó biết lấy nhân nghĩa mà đối đãi. Và hãy „chạm“…


21.09.2014

Monday 25 August 2014

NHỮNG CÁM DỖ Ở ĐỜI


Trong cuộc đời, có rất nhiều cám dỗ, những cám dỗ thường được kể tên nhất có thể là: Quyền lực, tình, tiền…Những người vì lý do nào đó, không thể tiếp cận tình, thao túng tiền, thì cũng còn chút quyền lực để bám víu.

Một chút quyền lực quèn thôi cũng làm người ta lên mày, nở mặt, lăng xăng, nhiệt tình quá mức. Họ cũng co, duỗi, chỉ tay năm ngón, cũng nói không với người này, ban phát ừ, có, được với người khác.

Thế mới hiểu được lòng người, khi người ấy là một người thuộc quyền, quanh năm chỉ biết làm theo lời người khác, họ rất khiêm nhường, dễ mến, nhưng khi được cất nhắc, được giao nhiệm vụ gì đó, sẽ biết họ thay đổi như thế nào!

Cũng dễ hiểu thôi, con người mà, luôn bị tham sân si…bám chặt, nếu không cố tình giũ bỏ mà cố vun vén, lấy bề, tạo thế, thì hậu quả là những chuỗi dài chuyện không đâu vào đâu đua nhau kéo tới.

Lúc đó, những người dưới quyền tha hồ chịu trận. Người dưới quyền như con quay trong lòng bàn tay họ. Người có chút quyền lực quèn cứ thế mà thao túng, thử nghiệm ý tưởng, nay thế này, mai đổi khác.

Khi thể hiện quyền lực, đôi khi họ dễ bị sa đà vào chuyện hám danh, trục lợi, ưa được người khác xưng tụng, nịnh nọt mình.

Cám dỗ quyền lực không chỉ có ở mọi cơ cấu xã hội trần thế, nhiều lúc nó còn len lỏi vào những chốn thánh thiêng, các tổ chức, hội đoàn của các tôn giáo. Vì là con người, mà đã là con người, thì có giới hạn, bất toàn, do đó, mọi chuyện không thể không xảy ra.

Từ một sự kiện thực tế phải đối diện, làm cho bần đạo này phải suy nghĩ, ưu tư chút. Hy vọng qua mấy dòng ngắn ngủi, có thể cảnh tỉnh được chính bản thân tránh vết xe đổ của người đi trước, nếu sau này, được giao nhiệm vụ gì đó, hãy tận tâm, tận lực phục vụ, giúp đỡ anh chị em trong sự khiêm nhường và kính trọng, khi mình thực thi chức quèn ấy…


25.08.2014