Vì sao người ta sinh ra có 2 tai,
2 mắt mà chỉ có một cái miệng? Đó là bởi vì con người cần nghe và nhìn nhiều
hơn nói. Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.” Ấy vậy
mà ít ai chịu hiểu, thậm chí họ còn dùng tai, dùng mắt để hỗ trợ cho cái miệng
liên tục “phát thanh”. Nói nhiều cũng không phải cái gì tệ lắm, khổ một nỗi là
người ta không kiểm soát cái “nói” của họ cho tốt nên tạo thành biết bao chuyện
“thị phi” làm khổ bản thân và người xung quanh.
Thị phi là gì?
Thị phi hiểu đơn giản là dư luận,
là lời đồn. Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi”
đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói
sai thế nào thì nói. Trong bài viết này tôi tạm hiểu thị phi là lời lẽ dành cho
một người từ phía những người khác nhau trong xã hội.
Có mấy loại thị phi?
1. Nói quá: Loại này thường gặp
nhất, cùng với tư tưởng “không có lửa làm sao có khói” và tinh thần “tam sao thất
bản” nên sau vài lần truyền miệng cho nhau thì “sự thật” trở nên vô cùng to lớn
và nguy hiểm. Ví dụ: người A thấy cô Y về nhà lúc 11h đêm, gặp người B nói: “Dạo
này con Y hay đi đâu về khuya lắm, có hôm 1 giờ sáng mới mò về.” Xong người B gặp
người C nói: “Con Y giờ ăn chơi nhậu nhẹt dữ quá, khuya lơ khuya lắc mới về
nhà.” Người C lại nói với người D: “Con Y hư hỏng thật rồi, bỏ nhà đi mấy hôm mới
về đấy!”….(truyện dài kỳ, thôi không kể nữa)
2. Đặt điều nói xấu: Loại này ít
hơn, nhưng cũng ác hơn! Thường là họ ghen tức một điểm gì đó ở đối tượng nên
tìm cách bôi nhọ cho thỏa lòng, họ sẽ đặt ra một số “giả thuyết” và suốt ngày
nói về nó kiểu: “Không làm gì bất chính làm sao giàu thế được” hay “Nhìn nó
xinh vậy chứ ai biết nó che dấu chuyện gì, hôm nọ tôi thấy…”
3. Châm chích quá khứ của người
khác: Loại này là ác nhất. Họ nói những chuyện có thật, nhưng đó là những lỗi lầm
của đối tượng trong quá khứ. Chuyện đã qua rồi nhưng họ cứ nhai đi nhai lại, hiện
tại người ta đã thay đổi nhưng với họ thì người đó vẫn xấu xa và họ muốn cả thế
giới biết điều đó. Có vẻ như người khác tốt lên thì họ không cam tâm vậy.
Như 3 loại tôi vừa kể trên là những
loại thị phi từ những kẻ vô tri cho đến kẻ xấu, có thể còn một số loại khác nữa.
Làm sao để bình tâm với thị phi?
1. Tuyệt đối đừng tranh cãi,
thanh minh với những người cố tình đặt điều nói xấu bạn, điều đó chỉ tạo thêm hứng
thú cho họ mà thôi. Càng nói nhiều sẽ càng xuất hiện nhiều điểm sai lầm để cho
họ phanh phui, mổ xẻ. Hơn nữa những người ngoài cuộc cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn.
2. Im lặng, phớt lờ: đây là giải
pháp được khá nhiều người lựa chọn, và nó cũng hữu hiệu trong khá nhiều trường
hợp, nhưng không phải là giải pháp ổn thỏa và lâu dài. Hãy tưởng tượng giống
như bạn mặc áo mưa và đi trong mưa vậy, dù áo mưa có tốt cỡ nào nhưng nếu bạn
đi lâu, thật lâu trong mưa thì vẫn lạnh và ướt. Im lặng và nhẫn nhịn với những
cơn mưa nhỏ thôi.
3. Giải pháp hữu hiệu nhất nhưng
cũng khó khăn nhất là thông cảm: đây cũng giống như việc mua một cái áo mưa và
mua một cái nhà để che mưa vậy, nhưng nếu bạn mua được cái nhà thì sẽ không còn
sợ mưa gió nữa, lúc đó bạn có thể thoải mái ngồi ngắm mưa. Khi có người công
kích, nói xấu bạn, trước hết hãy dành thời gian nhìn lại bản thân mình theo những
gì người đó nói, có bao nhiêu phần trăm là đúng. Đừng tức giận, bỏ quên người
nói đó đi và tập trung tìm hiểu bản thân bạn, như vậy vừa lợi vừa không tức giận.
Bước tiếp theo là thông cảm cho người nói xấu mình: tại sao họ phải làm điều
đó? Họ tức giận như thế nào, họ được giáo dục ra sao? Nói vậy thì có lợi, có hại
gì cho họ…. Lúc này bạn hoàn toàn đi suy nghĩ cho người kia mà quên luôn họ
đang nói xấu bạn. Khi hoàn thành bước này, bạn lại thấy thương, thấy tội nghiệp
cho họ, chỉ vậy thôi.
4. Dùng biện pháp mạnh khi cần:
Cuộc đời không phải thiên đường nên vẫn còn nhiều kẻ ác. Vâng, ác chứ không phải
xấu bình thường nữa. Nghĩa là khi bạn đã phớt lờ, lặng im, thông cảm mà họ vẫn
cứ làm tới, làm hoài. Có thể họ bị sai khiến hay là nguyên nhân nào khác nhưng
họ không chịu buông tha bạn mà vẫn tiếp tục đặt điều nói xấu, bôi nhọ danh dự bạn
thì tốt nhất là bạn lẳng lặng thu thập chứng cứ và kiện ra tòa. Xin nhớ nguyên
tắc đầu tiên là đừng tranh cãi với họ làm chi vô ích nhé. Hy vọng bạn không bao
giờ phải dùng đến bước này.
Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một
trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây
ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói
thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng
gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong
quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói:
“Every saint has a past, every sinner has a
future.”
Nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và
tội đồ nào cũng có một tương lai.”
Chúng ta đều là người, chẳng ai hoàn hảo. Hãy
tha thứ và nhìn nhau bằng những mặt tốt đẹp, hãy khen tặng và động viên nhau để
cùng phát triển chứ đừng trù dập, mỉa mai nhau. Bạn chẳng thể nào cao hơn chỉ bằng
việc đạp người khác xuống đâu. Xin được kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện
của Socrates mà tôi rất tâm đắc:
Chuyện gì nên nói?
Nguời hàng xóm đến gặp Socrates.- “Này ông
Socrates ơi, ông có nghe chuyện này chưa?”
– “Khoan đã!” -Socrates ngắt lời người hàng
xóm- “Anh có chắc rằng tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật
không?”
– “Ồ… cũng không chắc nữa. Tôi chỉ nghe người
ta kể lại thôi.”
– “Thế à, Vậy chúng ta không cần quan tâm đến
nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Đó có phải là một chuyện tốt không?”-Socrates
hỏi.
-“À không, không tốt. Đây là một chuyện xấu.”
– “Chà, anh có nghĩ tôi cần phải biết chuyện ấy
để giúp ngăn ngừa những điều không hay cho người khác không?”
– “Ờ, ờ… quả thực cũng không cần lắm,”- Người
hàng xóm trả lời.
“Tốt lắm,”- Socrates kết luận – “Vậy thì chúng
ta hãy quên nó đi, bạn nhé. Còn có vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống.
Chúng ta không thể mất công bận tâm tới những chuyện tầm phào, những chuyện vừa
không đúng, vừa không tốt, vừa không cần thiết cho ai.”
Chúc bạn luôn an lành, và mong bạn để người
xung quanh được an lành.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo