Wednesday, 29 August 2012

Ôi, cuộc đời!


Trong cuộc đời, có rất nhiều trạng thái đối lập: vui - buồn, sướng - khổ, hạnh phúc - bất hạnh, vui mừng - cô đơn…

Nhưng ai cũng hy vọng rằng: không ai buồn mãi, cô đơn mãi, sầu khổ mãi, đói khổ mãi…Nghe những điệp khúc này, chắc có lẽ nhiều người rùng mình, nhưng đã là cuộc đời không thể thiếu điều này, mà cũng không thể dư tràn điều kia. Có hạnh phúc để ta quên đi những tháng ngày sầu khổ; có niềm vui để khỏa lấp những nỗi muộn phiền, cô đơn; có thành công để những cố gắng được đền đáp; có hạnh phúc để con tim được hân hoan và quên đi những lúc sầu vương, lẻ bóng; có sự giàu có, no đủ để con người được no thỏa, quên đi những lúc đói khổ, bươn chải trong dòng đời; có những ngày hè thênh thang để đáp đền cho những người chín tháng mài mực trên ghế giảng đường…

Còn rất nhiều, rất nhiều những trạng thái khác nữa trong cuộc đời, nếu thiếu những điều ấy, thiết nghĩ sẽ không có cụm từ: „Mầu nhiệm cuộc đời“. Vì thế „trường đời“ dài mãi, học thấu được chữ „đời“ cũng đã bầm dập tâm can…

“Ơn của Thầy đã đủ cho con“


Trong nỗi cùng khổ của kiếp người, có những lúc ta vùng vẫy, quằn quại, thương đau, kêu cứu, cần sự giúp đỡ của một ai đó, nhưng cuối cùng, lời kêu cứu của ta lọt thỏm giữa không trung, không hồi âm, không lời đáp trả, lúc đó có thể là tuyệt vọng chồng chất trong tuyệt vọng?

Bỗng dưng ta nghe được lời thì thầm của Đức Giêsu, như Ngài từng nói với thánh Phaolô: „Ơn của Thầy đã đủ cho con“ (2 Cr 12, 9). Lời thì thầm nhưng đủ mạnh, đủ để ta tin tưởng, và đủ để cứu ta ra khỏi trạng huống của sự cùng cực, hố sâu tuyệt vọng giờ đây được lấp đầy bằng niềm hy vọng, sự tin tưởng và bình an.

Thánh Phaolô, sau khi nghe được lời thì thầm của Chúa: „Ơn của Thầy đã đủ cho con“, đã mạnh mẽ xác tín: „Vì khi  tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh“ (2 Cr 12, 10). Thật vậy, thể xác đôi khi bạc nhược, yếu đuối, sợ sệt…nhưng lại dưỡng nuôi và ẩn náu trong đó một tâm hồn đầy nghị lực, luôn muốn vươn lên, đạp đổ mọi ràng buộc phần „con“ trong ngôi vị „người“, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Ngài.

Hy vọng, khi nghe lời nói thì thầm của Đức Giêsu hôm nay, mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói được như thánh Phaolô: „Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi“ (Gl 2, 20), vì mỗi người đều được „Thần Khí Chúa ngự trên mình“ (Lc 4, 18).

CHỮ TÂM


Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.

Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người :


-Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.

                                                     - Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá…

Cho nên, ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:


- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.
- Đặt trên chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.


Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người.


 -St-



Friday, 3 August 2012

CẢM XÚC…


Cổ nhân nói không sai: „Ký ức là bao tử của tâm hồn“, những kỷ niệm vui, ta nhớ mãi, những kỷ niệm buồn, dù gột rửa mãi cũng khó phai! Vì thế mới có nhớ-thương-yêu-lưu luyến…đó cũng là những cung bậc của cảm xúc, những cảm xúc rất thật của con người, thiếu những cảm xúc này, con người đã không còn trọn vẹn?

Có những lúc cảm xúc thăng hoa, cả thế giới quá khứ ùa về trong ký ức, đầy tràn, hiện diện khắp mọi ngõ ngách của tâm hồn, tự nhiên con người cảm thấy yêu đời hơn, đáng sống hơn, hạnh phúc hơn; cảnh vật cũng có ý nghĩa và thân thiết hơn.

Nhưng tiếc thay, cũng có những lúc tâm hồn sầu não, gặp toàn nỗi buồn, lúc niềm vui và nụ cười vắng bóng, trước mặt là cả đại dương hiu quạnh, là sa mạc khô cằn của tình người, tình đồng loại, cảm thấy mình lẻ loi, nhỏ bé, mong manh.

Buồn - vui, hạnh phúc – cô đơn, thấy đời đáng sống - chán đời…là những cảm xúc thực tại của cuộc sống, nằm trong con người. Việc tạo ra cảm xúc hay chế ngự cảm xúc đều xuất phát từ con người, đôi khi do tác động của ngoại cảnh, của môi trường sống…

Như thế, con người vừa là tác nhân chủ quan vừa là khách thể khách quan của những cảm xúc trong cuộc sống, hy vọng chúng ta nhận được nhiều điều tích cực và giảm bớt những khiếm khuyết, tiêu cực, để thấy đời đáng sống, nghĩa là sống trong sự sung mãn của tình yêu, trong mối tương quan đồng loại thật khăng khít và dành cho nhau sự tôn trọng với phẩm giá cao quý của một nhân vị con người.

03.08.2012

Wednesday, 1 August 2012

CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN!


Cơn gió đến rồi đi, bông hoa sớm nở tối tàn, bình minh qua rồi lại nhường bầu trời cho hoàng hôn và cuối cùng là màn đêm buông xuống…mọi vật sinh sinh hóa hóa, đó cũng chính là quy luật vận hành của thời gian và vòng sinh tử của vạn vật.
Con người được sinh ra, đến thế giới này, hiện hữu, sống và lúc cuối đời, thân xác trở về với lòng đất, chịu cảnh hư nát, nhưng cái còn lại là hồn thiêng bất tử, vì „thác là thể phách, còn là tinh anh“.
Dù con người có lìa khỏi thế, nhưng lời nói, hành động, tính cách, phẩm chất của họ vẫn lưu danh với hậu thế, nghĩa là còn mãi với thời gian.
Chính vì điều này mà Wassili Suchomlinski đã đúc kết: „Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác“.

31.07.2012

NĂM THÁNG „TÀN NHẪN“ HAY „TỪ BI“?


Xem phim, lời thoại của một nhân vật làm mình chú ý: „Năm tháng rất tàn nhẫn nhưng cũng rất từ bi“. Nghe, đọc xong câu này lúc đầu thấy hay, ngẫm lại thấy chưa chuẩn xác?!

Vì năm tháng là cách gọi khác của thời gian, mà những sự kiện xảy ra trong thời gian là do tác động của con người, nếu không có sự tác động của con người sẽ không có sự kiện và thời gian cũng chỉ là thời gian, không có ý nghĩa gì hết. 

Thời gian như trang giấy trắng, con người ghi gì lên đó, con người sẽ có nó. Khi con người hiện hữu trong thời gian, tác động một sự kiện, cho nó có ý nghĩa, sự kiện sẽ gắn liền với thời gian và lúc đó thời gian trở thành cột mốc, nếu là quá khứ sẽ gọi là lịch sử, nếu đang xảy ra sẽ được gọi là hiện tại, những sự kiện nằm trong dạng tiềm thể được gọi là tương lai.

Nếu không có ý muốn, tác động và hậu quả của hành động con người xảy ra trong thời gian, thì thời gian là trang giấy trắng, chỉ là khách quan mà thôi. Nếu nói ý muốn, dục vọng, hành động của con người „tàn nhẫn“ thì đúng hơn. Vì khi nhận ra được hậu quả nghiêm trọng do mình gây nên, con người hối hận, quay về nẻo chính đường ngay, chính sự quay về đó sẽ đánh dấu lòng „từ bi“ qua hành động, biểu cảm của một con tim „sám hối“ …

Tóm lại, sự „tàn nhẫn“ hay „từ bi“ của con người diễn ra trong thời gian cũng do bởi tại „tâm“ mà ra, nếu „tâm“ trong sáng, ý muốn ngay thẳng, hành động tốt, kết quả sẽ tốt. Nếu ý muốn đen tối, lòng dục vô độ, hậu quả sẽ khôn lường, lúc đó thời gian sẽ bị bôi bẩn và khó có thể gột rửa sạch!

26.07.2012