Sunday 17 April 2011

BÍ TÍCH – KINH NGHIỆM & SỐNG

Kinh nghiệm cho thấy, mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời, dù muốn dù không, vẫn để lại một vài điểm đặc biệt trong lòng người. Những điểm đặc biệt đó có thể do con người chịu tác động bởi những ấn tượng ngoại cảnh hoặc người ta chủ ý thâu nhận.

Tuy nhiên, đối với người kitô hữu, còn có những điều gì đó huyền nhiệm, linh thánh mà tự con người không thủ đắc được, nhưng do Thiên Chúa mạc khải, ban ơn qua những dấu chỉ, biểu tượng hay bí tích.

Đó cũng là những cảm nghiệm mà tôi đã nhận được qua khoá học “Bí tích đại cương”. Tuy có nhiều cảm xúc, lắm điều mới lạ, nhưng nếu được sắp xếp thứ tự ưu tiên, ba điều tôi tâm đắc nhất đó là:

Thứ nhất, Đức Giêsu Kitô là Một Bí Tích. Thật vậy, Đức Giêsu vừa là nguồn phát sinh các bí tích nhưng Ngài cũng là một bí tích. Vì Đức Giêsu Kitô là dấu chỉ hoặc bí tích quan trọng duy nhất của sự hiện diện và hoạt động cứu chuộc của Thiên Chúa nơi tôi. Nếu không có niềm tin này, khi cử hành bí tích Thánh Thể, làm sao tôi có thể thấy mình đang ở trong một sự hiện diện nhiệm mầu của Đức Giêsu? Mà mầu nhiệm đó, khi được đón nhận, như một mạc khải hé mở từ Thiên Chúa, hơn hẳn một tình yêu, sự hiểu biết và quyền năng nhân loại. Nhờ sự gặp gỡ đó, giống như các Tông đồ đã gặp gỡ sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu ngày trước, và bây giờ, đối với tôi, Đức Giêsu chính là một bí tích, nhờ Ngài và trong Ngài, tôi gặp được mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ lòng tin.

Khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, trở thành một chi thể của Giáo hội, tôi cũng được Đức Kitô mời gọi trở nên bí tích cho những người khác. Bởi Hội thánh là thân thể của Đức Kitô và trong Đức Kitô, Hội thánh trở thành bí tích của Thiên Chúa và của Đức Kitô.

Tuy nhiên, Hội thánh không phải là Đức Kitô, mà chỉ là dấu chỉ, là bí tích của Ngài. Khi cử hành các bí tích, Hội thánh rao truyền Đức Kitô và người ta có thể gặp được Ngài trong Hội thánh. Khi lãnh nhận các bí tích, tức là gặp gỡ Đức Kitô, ở trong Đức Kitô, như vậy các bí tích mang đến cho người lãnh nhận, trong đó có tôi, những hoa quả của ân sủng, và ân sủng này đến từ Thiên Chúa, và đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Thứ đến, các bí tích là cửa dẫn vào sự thánh thiêng. Lần đầu tiên, trong khoá học này, tôi bắt gặp được tư tưởng diễn tả các bí tích như “cửa vào thánh thiêng”  hay “điểm hẹn thần linh”.

Thật vậy, các bí tích, một cách nào đó, là cửa cho những người lãnh nhận bước vào thánh thiêng, nơi đó Thiên Chúa gặp gỡ con người, con người gặp gỡ Thiên Chúa, và Thiên Chúa cho con người có kinh nghiệm về Ngài. Những kinh nghiệm đó mang ý nghĩa linh thánh nhờ có sức biến đổi người lãnh nhận nhờ sự sống, sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô.

Bởi vì, bí tích Thánh tẩy giúp người lãnh nhận được dìm vào trong Đức Kitô, chết đi con người cũ tội lỗi và trỗi dậy với một sự sống khác, sự sống được cứu độ. Bí tích Thêm sức đánh dấu một cuộc sống mới đã khởi sự nơi bí tích Thánh tẩy. Bí tích Hoà giải diễn tả sự đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và được mời gọi tha thứ cho người khác. Bí tích Xức dầu diễn tả sự chữa lành bệnh tật và thêm sức mạnh cho người lãnh nhận khi đối diện với cái chết. Bí tích Hôn phối tỏ bày ý nghĩa của lòng thuỷ chung của một đôi vợ chồng, và đặc biệt của Đức Kitô đối với Hội thánh. Bí tích Truyền chức thánh thay đổi ý nghĩa của việc phục vụ từ một hành vi nô lệ thành một thừa tác vụ thánh. Và trong phụng vụ Thánh thể, kitô hữu tìm ra ý nghĩa của cuộc sống phục sinh cho những kinh nghiệm hằng ngày và không ngừng cử hành ý nghĩa mới được khám phá ấy.

Như vậy, khi lãnh nhận các bí tích, được ơn Chúa tác động và sinh hiệu quả trong tâm hồn, người lãnh nhận trở thành một con người mới, nhờ sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô nhờ việc cử hành các bí tích theo ý Hội thánh. Nhờ sự biến đổi đó, người lãnh nhận có được kinh nghiệm sống và không ngừng được tái diễn mỗi khi cử hành các bí tích.

Và cuối cùng, kinh nghiệm sống đóng một vai trò quan trọng trong việc cử hành các bí tích. Bởi một kinh nghiệm hay một hoạt động nào đó trở thành một kinh nghiệm sống khi chúng bắt đầu mang một ý nghĩa và làm thay đổi cuộc sống của tôi. Kinh nghiệm sống ấy diễn tả một sự kiện trong quá khứ được hiện tại hoá ở đây và vào lúc này, lúc tôi đang cử hành các bí tích, có Đức Giêsu Kitô hiện diện. Như vậy, nếu cử hành các bí tích mà không có một kinh nghiệm sống bởi sự hiện diện của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, thì tôi chỉ cử hành một các máy móc, rập khuôn. Đã bao lần tôi tham dự phụng vụ Thánh thể, đã bao lần tôi đón nhận bí tích Hoà giải, nếu thực sự, tôi không có kinh nghiệm về sự hiện diện của Đức Giêsu khi Ngài bẻ bánh, hoặc chưa cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa, thì bấy lâu, những buổi phụng vụ Thánh thể và bí tích Hoà giải tôi lãnh nhận chỉ là những hoạt động hàng ngày đã trở thành thói quen.

Cũng vậy, nếu tôi không cảm nhận được sự dìm vào trong Đức Giêsu Kitô khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, thì thực sự tôi chưa thuộc về Ngài. Nếu tôi không cảm nhận được ơn Chúa Thánh Thần tác động khi chịu bí tích Thêm sức, cuộc đời của tôi làm sao có thể đổi mới được?

Đức Kitô là nguồn mạch các bí tích, nhưng chính Ngài cũng là một bí tích, từ đó phát sinh mọi nguồn ơn phúc. Khi khám phá được điều đó, nhờ lòng tin, tôi mới ý thức được khi cử hành các bí tích, bởi các bí tích là cửa ngõ dẫn vào sự thánh thiêng, là điểm hẹn thần linh mà nơi đó, tôi được gặp Thiên Chúa và trở thành một con người mới, được biến đổi và được Thiên Chúa ban ân sủng, nhờ việc lãnh nhận các bí tích ấy.

Do đó, việc lãnh nhận các bí tích ấy đòi buộc tôi phải tìm ra ý nghĩa, hiệu quả và sự tác động của Thiên Chúa qua việc lãnh nhận và sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời tôi. Từ đó hình thành trong tôi kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa khi cử hành các bí tích. Vì thế, tôi tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa. Và mỗi lần cử hành các bí tích, tôi tin có sự hiện diện của Đức Giêsu trong các bí tích ấy.

NVH

No comments:

Post a Comment