Saturday 16 April 2011

SONG THUYẾT CHÀO ĐỜI!

Suốt một thời gian dài, người ta sùng thượng và quá đề cao lý trí. Đến thời cận đại, Descartes và Kant, hai triết gia tiên phong đặt lại giá trị của lý trí bằng “hoài nghi có phương pháp” và “phê bình lý trí ”.

Descartes xuất hiện, ông muốn trả lại cho triết học nội dung chính xác và minh bạch (claire et distincte). Vì vậy, ông cũng muốn xây dựng triết lý trở thành khoa học chính xác và minh bạch. Vì thế, ông hoài nghi tất cả nhưng hoài nghi một cách có phương pháp. Thế nhưng, có một điều ông không thể hoài nghi đó là: “Cogito ergo sum: tôi suy tư nên tôi hiện hữu”. Theo ông, suy tư và hiện hữu thuộc hồn nên chắc chắn (hồn và xác được Descartes coi như hai thực tại song song). Ông đồng hoá hồn và suy tư là một, khả năng suy tư chứng minh hồn hiện hữu.

Từ đó làm tiền đề cho ông kết luận: khả năng độc đáo của hồn là suy tư, ông cho rằng những gì có trong trí mới là thực, những gì không có trong trí tôi thì coi như không có. Vì ở điểm này mà thuyết Duy tâm được nảy sinh.

Trái lại, Kant cho rằng, khi con người - chủ thể quan sát một đối vật, chúng ta chỉ biết được hiện tượng (phenoméne) bên ngoài bằng giác quan, còn vật tự thân (nouméne) chúng ta không thể biết được.

Theo Kant, hiện tượng nằm trong không gian và thời gian, nhưng không gian và thời gian tiên thiên, chúng có trong đầu tôi, tức bỏ vào những phạm trù có sẵn trong đầu tôi. Do đó, khi tôi qua sát sự vật, tức đưa sự vật vào những phạm trù tiên thiên trong đầu rồi mới biết cái đó là gì . Vì điểm này mà Kant mở đường cho Duy tâm.

Mặt khác, theo Kant, chúng ta chỉ biết được hiện tượng của sự vật, còn vật tự thân, chúng ta không thể biết. Chúng ta biết được sự vật là nhờ hồn, nhưng ở đây ta chỉ biết được vật bằng sờ mó, cân đo, đong đếm. Vì thế, chúng ta chỉ dừng lại ở sự vật. Điều này đã làm tiền đề cho thuyết Duy vật: Tất cả chỉ là vật chất, chỉ vật chất mới thực hữu và Duy vật thuyết cũng được manh nha từ đó.

Tóm lại, sự xuất hiện của Descartes và Kant được coi như cuộc cách mạng “Copernic” về tư tưởng triết học. Nhân loại ghi nhớ công lao to lớn của hai ông, nhưng cũng rất buồn vì từ triết học của hai ông mà đẻ ra nhiều thứ “duy” về sau, dẫn đến chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế cũng như vai trò của Ngài trong vũ trụ này.

No comments:

Post a Comment