(Suy niệm TM Lc 11, 5-13)
“Không ai là một hòn đảo”, câu nói này dường như đã trở thành một chân lý trong thời đại mở. Con người không còn đóng kín, chặn lối hay tách biệt khỏi cộng đồng, xã hội mà họ đang sống nhưng có sự tương quan hai chiều: giữa mình với tha nhân và ngược lại.
Nhưng nếu chỉ có tương quan hàng ngang thôi, thiết nghĩ chưa đủ mà còn có một mối tương quan khác cao trọng hơn đó là mối tương quan với Đấng tạo hoá là Thiên Chúa, Thượng đế, Ông Trời. Triết gia Platon đã nói một câu rất chí lý rằng: “Càng đi vào chiều sâu thì càng đi lên chiều cao”, tức là càng đi sâu vào lòng mình bao nhiêu thì dễ gặp gỡ Đấng vô hình, là Thiên Chúa, hiện thân của tình yêu bấy nhiêu. Thánh Augustino cũng cảm nhận được điều đó nên thốt lên rằng: “Thiên Chúa ở nơi sâu thẳm hơn cả nơi sâu thẳm nhất của lòng tôi”. Nhờ khám phá Thiên Chúa ở trong lòng mình mà thánh Augustino đã nhận ra người anh em để chia sẻ buồn vui và giúp nhau sống cuộc sống này.
Thật vậy, bài Tin Mừng Lc 11, 5-13 sẽ là một “liều thuốc” trị bệnh thất vọng, buồn chán cho những ai không còn trông cậy vào lòng Chúa khoan dung và luôn đóng cửa lòng mình với tha nhân.
Trước khi Đức Giêsu diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, Ngài đã kể câu chuyện tình bằng hữu giữa hai người bạn, để nói lên tương quan giữa con người với con người, và sau đó, Ngài ám chỉ tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đấng ban ơn và kẻ thụ ơn, giữa Thiên Chúa là Cha và loài người là con.
Trước khi đi vào tìm hiều mối tương quan thứ hai, tức giữa Thiên Chúa và con người, xin được khai triển mối tương quan thứ nhất: Giữa con người với nhau.
“Con người là một con vật có xã hội tính” nên sống thành cộng đồng để tương trợ nhau. Cụ thể họ giúp nhau khi thiếu thốn, khó khăn và chia sẻ niềm vui khi ai đó hạnh phúc hay gặp điều may lành. Vì thế, chuyện kể trong bài TM khi người bạn đến gõ cửa xin vay bánh để tiếp đãi khách là chuyện bình thường, nhưng tâm lý của người xin vay lại bị giằng xé giữa hai thái cực: Một bên là lòng hiếu khách, bên kia là sự e ngại, sợ quấy rầy bạn giữa lúc đêm khuya nhưng anh ta không còn một giải pháp nào khác. Tuy nhiên, người được xin giúp dù bất đắc dĩ, tức không phải vì tình bằng hữu mà bởi sự quấy rầy cũng sẵn sàng cho những gì mình có, để được yên thân. Dĩ nhiên, thái độ này có phần tiêu cực, nếu đứng ở góc độ khách quan để nhận xét hành vi của người cho bánh.
Cũng vậy, một thực tế đáng buồn đang diễn ra trên quê hương chúng ta cũng như trên thế giới, khi người này giúp người kia, nước này giúp nước nọ, nước giàu giúp nước nghèo không phải họ quan tâm đến đời sống của những người nghèo mà nhắm đến một mối lợi siêu lợi nhuận nào đó.
Thế nhưng, “trong tro than nguôi lạnh, vẫn còn đó những đóm lửa hồng” nên cũng có những tín hiệu đáng mừng, vì có nhiều nước giàu thường xuyên viện trợ không hoàn lại cho những quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam: ví dụ Nhật Bản, Đan Mạch, Thuỷ Điển… họ muốn đóng góp một phần nhỏ của mình vào việc nâng cao đời sống của người dân Việt. Nhờ đó đời sống của người Việt được nâng cao, khơi dậy những giá trị văn hoá, tạo mối thân tình, đoàn kết giữa cộng đồng người Việt với cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Họ là người ngoại quốc, nhưng hơn ai hết, họ thực hiện câu nói của người Việt : “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Vì thế, mới có những nghĩa cử cao thượng, những việc làm mãi lưu danh hậu thế, những con người bước vào hàng vĩ nhân, những quốc gia đi vào trang sử của thế giới nhờ tấm lòng hảo tâm và tình yêu thương, luôn giúp đỡ những người thiếu thốn, khó khăn, đói khổ. Chính họ đã thực hiện lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thân cận như chính mình ngươi”.
Tuy nhiên, cũng có những người vì danh vọng, tiếng tăm nên đã lợi dụng đồng tiền, chức vụ để khoa trương, đánh bóng tên tuổi của mình vì mục đích chính trị, kinh tế, tạo đà để thâu tóm nhiều quyền lực và của cải hơn. Cũng có những người đóng chặt cửa lòng, nhắm mắt làm ngơ, tạo bức tường ngăn cách với tha nhân dẫn đến cắt đứt sự thông giao, vì sợ rằng có tương quan với người khác là hầu bao dễ “bốc hơi hay gió cuốn”. Có khi nhà sát vách, chung đường nhưng họ bịt kín lối đi, để rồi lê bước trên hành trình hiệp thông với tha nhân, tạo thành những bước chân vạn dặm.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải bàn lại, có những người vui vẻ vay mượn nhưng lại cạu cọ khi đến thời hạn hoàn lại, nói theo kiểu dân gian: “Vay hả hả, trả hỷ hỷ” với châm ngôn ‘tiền ơi mở ra cho tôi nhưng đóng lại với người khác’, họ trở thành con nợ truyền kiếp, trở thành ‘chúa chổm’.
Thử đặt một câu hỏi: nếu gặp trường hợp như vậy chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ hay không?
Trở lại bài TM, khởi đi từ tình bằng hữu giữa hai người bạn và món quà cho vay là những chiếc bánh, Đức Giêsu dẫn đưa chúng ta vào một mối tương quan cao hơn, xa hơn và cũng siêu nhiên hơn: đó là tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Nhiều khi chúng ta cảm thấy mình tội lỗi, dẫn đến ngã lòng vì tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan bất đối xứng; vì thế, con người không đáng được Chúa thương. Một bên, con người là tạo vật, còn bên kia Thiên Chúa là Đấng tạo thành; con người tội lỗi, còn Thiên Chúa cao sang; con người phàm trần, còn Thiên Chúa thánh thiêng; con người hữu hạn, còn Thiên Chúa vô hạn; con người bất toàn, bất túc, còn Thiên Chúa toàn năng, tất yếu… Nhưng Thiên Chúa đã có cách để đi đến với con người bằng cuộc nhập thể và được hạ sinh: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”. Thánh Phaolô còn diễn tả: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết … (Pl 2, 6-11). Đó là con đường Thiên Chúa đến với nhân loại, con đường tình yêu. Thiên Chúa đã không từ chối khi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu cho nhân loại thì chẳng còn gì mà Ngài không ban cho chúng ta nên Ngài khuyên chúng ta “hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Đức Giáo Hoàng J.P II cũng đã xác tín khi nói: “Cầu nguyện là chìa khóa mở được trái tim Thiên Chúa”. Hãy sở hữu chìa khoá mở trái tim Thiên Chúa bằng những lời cầu nguyện, chúng ta có làm được điều đó không? Tin chắc rằng mỗi anh em đều có thể sở hữu được chìa khoá đó để tìm những gì mình cần, thấy những gì mình mong và mở được cánh cửa của lòng mình, mở được trái tím Thiên Chúa và tha nhân để có sự thông giao với nhau, tạo thành dòng chảy yêu thương trào tràn cho nhau.
Ngày xưa, Lão Tử cũng “lấy lòng trăm họ làm lòng mình” và khởi đầu những việc lớn bằng những việc cỏn con hay khởi đầu hành trình dài bằng những bước chân đầu tiên: “Cửu trùng chi đài, khởi ư luỹ thổ. Thiên lý chi hành, thuỷ ư túc hạ, nghĩa là, đài cao chín tầng bắt đầu từ nhúm đất con, đi xa ngàn dặm khởi đầu một bước chân”. Vì thế, nếu chúng ta không đặt những “viên gạch và những bước chân yêu thương” đầu tiên dù nhỏ thì cũng không thể có cửu trùng đài và hành trình xa của mối dây hiệp thông và lòng mến đối với Thiên Chúa và tha nhân được. Lão Tử còn chọn cho mình con đường đi đến với tha nhân: “Tỏa kỳ nhuệ giải kỳ phân. Hòa kỳ quang đồng kỳ trần” (ĐĐK, ch 56), nghĩa là mài dũa những góc cạnh, xoá bỏ những phân cách, hoà cùng ánh sáng và chung kiếp bụi trần. Lão tử mời gọi chúng ta gột dũa bớt góc cạnh là sự kiêu căng, xoá bỏ hố sâu ngăn cách giàu nghèo, sang hèn, cao thấp; đồng thời hoà cái sáng của mình với cái sáng của người khác và cuối cùng chung kiếp bụi trần với anh em mình.
Trong bài TM, hai người bạn thân đã thực sự chung kiếp bụi trần với nhau, tức đón nhận mọi khó khăn của cuộc sống để giúp nhau thăng tiến. Đối chiếu con đường của Lão Tử và thư Philipphê của thánh Phaolô, chúng ta nhận ra Đức Giêsu cũng đã nhận bản tính yếu hèn của nhân loại, xoá bỏ sự ngăn cách giữa Thiên Chúa cao sang và con người tội lỗi, đồng thời hoà cái sáng của Ngài với cái sáng của nhân loại và cuối cùng nhận kiếp bụi trần giống như con người, tức cũng được sinh ra, lớn lên và chết trên thập giá. Sống theo gương thầy Giêsu là ước mơ lớn nhất và khó thực hiện nhất đối với những môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, không phải chúng ta không thể thực hiện được ước mơ đó mà chúng ta bền tâm vững chí đến mức nào thôi.
Mến Chúa và yêu người là sự cân bằng cho mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Do đó, mục sư Martin Luther King cũng đã có một giấc mơ, ông luôn lặp đi lặp lại câu nói: “I have a dream” – một giấc mơ vĩ đại. Nếu xét về giấc mơ thuần tuý, có lẽ mọi giấc mơ đều như nhau, tức chỉ có mơ chứ chưa có thực, nhưng nếu xét về nội dung giấc mơ và hành động để giấc mơ trở thành hiện thực lại khác.
Sống trong xã hội Hoa Kỳ, một xã hội đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hoá… và còn mọi thứ đa khác, người da đen luôn bị coi là tàn dư, là nô lệ của xã hội. Họ bị coi rẻ, bị người khinh miệt, đến đâu cũng bị xua đuổi. Vì thế, M. L. King ước mơ một xã hội bình đẳng, công bằng và dân chủ, mỗi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Ông đã hoạt động không biết mệt mỏi cho giấc mơ vĩ đại ấy. Đây cũng là tấm gương cho mỗi người trong chúng ta nối vòng tay lớn, xây dựng cộng đoàn, xã hội, Giáo hội đầy tình yêu thương, công bằng, tôn trọng và giúp đỡ nhau thăng tiến. Xây dựng cộng đoàn, xã hội, Giáo hội theo mô hình “tứ hải giai huynh đệ”, hoạ lại cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, đặc biệt, biết sẻ chia và giúp đỡ người thân cận của mình như đôi bạn trong TM, đồng thời noi gương Đức Giêsu luôn giang rộng vòng tay để đổ tràn mọi nhu cầu mà chúng ta cầu xin Ngài.
Xin được tóm kết bài suy niệm bằng lời cầu nguyện theo Thánh Thi sau:
Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù loà, bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.
Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà.
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả.
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.
Cúi lạy Ngài, cho chân con vững chãi,
Để tiến lên dẫu đường sá hiểm nguy.
Nguyện theo Ngài thập giá đâu quản ngại,
Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi.
Cúi lạy Ngài, giữ lòng con tin tưởng,
Mặc ai bảo: Chúa đã chết đâu còn.
Khi chiều về gánh thời gian trĩu nặng,
Xin dừng chân ở lại với con luôn!
No comments:
Post a Comment