Con người là con vật có xã hội tính, nó không thể sống một mình, không liên đới với ai. Đã có xã hội tính, đòi hỏi con người phải nhập cuộc, sống cùng, sống với, sống cho tha nhân. Trong chiều kích đó, con người cần chuyển tải tư tưởng của mình cho người khác. Vì thế, ngôn ngữ trở thành phương tiện để con người đối thoại và thông tri với nhau. Tư tưởng được diễn đạt qua ngôn ngữ mang nhiều sắc thái khác nhau: lời nói, chữ viết và cả những ngôn ngữ không lời. Tuy nhiều cách khác nhau nhưng cũng chỉ là một: chúng có chức năng truyền thông ý nghĩ, tư tưởng giữa người với người. Vì thế, có người nói: “Ngôn ngữ là chiếc áo của tư tưởng”, người ta nghĩ gì khi nói điều đó? Đâu là cơ sở? Sau đây, chúng ta cùng giải thích để làm sáng tỏ vấn đề trên.
Ngôn ngữ – Công cụ truyền thông?
Ngôn ngữ rất quan trọng. Nếu không có ngôn ngữ làm sao ta có thể diễn đạt tư tưởng, sự hiểu biết của mình cho người khác? Khi con người giao tiếp với nhau, ngôn ngữ trở thành chiếc cầu nối liên kết mọi người với nhau.
Ngôn ngữ ấy được diễn đạt qua hai hình thức:
* Lời nói
Lời nói rất quan trọng trong giao tiếp, nó là công cụ truyền thông. Giả sử khi hai người gặp nhau mà không nói, không có chữ viết, không có cử chỉ làm sao có sự tương giao giữa hai người? Phải chăng lời nói là một thứ ngôn ngữ và thứ ngôn ngữ ấy diễn đạt tư tưởng của chúng ta? Đó là một điều rất đặc biệt, vì loài vật không có ngôn ngữ như chúng ta.
* Chữ viết
Chữ viết, có thể nói được rằng, là ngôn ngữ cao cấp của truyền thông. Từ hệ thống chữ viết, chúng ta có thể trình bày mọi vấn đề về con người, cuộc sống, khoa học, triết học, tôn giáo… Nếu không có tư tưởng, khi diễn đạt, ngôn ngữ chỉ là những ký hiệu không hồn nằm sát bên nhau. Ngôn ngữ, tự bản chất, chẳng có ý nghĩa gì nếu ta không nghĩ suy hay nói qua nó, đúng hơn là mặc cho nó một ý nghĩa. Khi trình bày, ta có thể sử dụng phong cách khác nhau và mỗi khoa học đều có ngôn ngữ và những từ ngữ chuyên biệt của khoa học đó.
Vd:Trong triết học, ta thường thấy xuất hiện những từ ngữ như: Bản thể, tuỳ thể, bản ngã, hiện sinh, Đấng siêu việt, Thực tại tối hậu… Tôn giáo cũng có những từ ngữ như: Bí tích, mầu nhiệm, Thánh Thể, Thiên Đàng, Hoả ngục…; Khổ đế, Diệt đế, Niết bàn…
Vì thế, Okkham – trường phái Duy danh cho rằng, ngôn ngữ chỉ là những tín hiệu bề ngoài, những từ ngữ hoặc tên mà chúng ta diễn tả ra với nhau mà tất cả ý nghĩa là để gọi những cá nhân, sự vật do kinh nghiệm mang lại.
Chức năng của ngôn ngữ trong việc trình bày tư tưởng
Có nhiều triết thuyết, có nhiều thứ “duy”, có nhiều thứ khoa học khác nhau nhưng triết học và khoa học đều mặc cái áo ngôn ngữ khi trình bày. Vì thế, mỗi hình thức diễn đạt tư tưởng, có những quy tắc, những phương pháp riêng. Khoa học sử dụng ngôn ngữ, phương pháp chuyên biệt khác với triết học và khác với tôn giáo.
Vấn đề Thượng Đế chẳng hạn, Kitô Giáo cho rằng, Ngài là Đấng tạo dựng trời đất, con người và muôn vật, Ngài là Đấng tự hữu, toàn tri, toàn thiện, thông minh… là Đấng khai mở và cùng đích của muôn loài. Duy Vật, ngược lại, cho rằng vũ trụ vạn vật này ngẫu nhiên mà có. Theo K.Marx, con người là con cháu của “Tôn Ngộ Không”, bà con huyết thống với họ khỉ. Hơn nữa, thuyết Hiện Sinh vô thần không chấp nhận một Thượng Đế giáng phạt, điều đó làm con người mất tự do. Không ngần ngại, Nietzsche đã hô hào giết Thiên Chúa, sẵn sàng “làm đám tang” cho Ngài. Thật nực cười, ông không có khả năng “làm đám tang” cho mình thì làm sao “làm lễ nhập quan” cho Thượng Đế?
Vấn đề con người thì sao? Marcel coi bản ngã con người là huyền nhiệm, tha nhân là huyền nhiệm và Thượng Đế cũng huyền nhiệm. Jaspers thì luôn vươn lên Đấng Siêu Việt, vì Ngài là cội nguồn của vạn vật; còn với tha nhân, ông không ngừng khám phá và tôn trọng, nâng tha nhân lên hàng chủ thể như chính mình. Jean Paul Sartre thì không như thế, ông cho rằng “Tha nhân là hoả ngục” hay một cách bi đát hơn, có người cho rằng: “Người là sói của người”. Nếu tha nhân là “hoả ngục”, là “sói của người” thì ai ở được với ai?
Một vấn đề then chốt trong các khoa học, triết học, tôn giáo đó là chân lý. Vậy họ quan niệm và trình bày chân lý như thế nào?
Duy tâm cho rằng những gì có trong tư tưởng mới là thật, là chân lý. Duy thực dụng lại nói khác: Những gì có lợi mới là chân lý. Duy nghiệm cũng nói lên lập trường của mình: Cái gì cân đo đong đếm được mới là chân lý. Thuyết hoài nghi thì cho rằng trí khôn của con người, tự bản chất, không thể biết chân lý. Chúng ta phải nghi ngờ mọi sự. Thế nhưng đối lập với thuyết Hoài nghi, thuyết Giáo điều lại bảo rằng trí khôn con người có thể biết thực tại và biết một cách chắc chắn. Nhưng chân lý là gì? Đây là một vấn đề nan giải, mỗi triết thuyết đều có quan niệm và cách trình bày khác nhau.
Một vấn đề còn nhiều bàn cãi đó là quan niệm về cái đẹp. Đâu là tiêu chuẩn? Đây cũng là một vấn đề nhức nhối, vì mỗi người có quan niệm, cảm nhận và thích một nét đẹp nào đó rất riêng. Nhà họa sĩ khi nhìn cảnh bình minh sẽ có cảm nhận và nhìn thấy vẽ đẹp của ánh mặt trời đang từ từ nhô cao khác với anh nông dân, khác với nhà khoa học, khác với nhà thương gia, khác với anh quần rách áo ôm… Quan niệm về vẻ đẹp con người cũng thế. Hơn nữa, cảm nhận về cái đẹp ngày nay cũng khác xưa. Với nam nhi phải vai u thịt bắp. Còn nữ giới thân hình phải thon thả, cân đối. Nét đẹp của người con gái hiện đại phải thể hiện tính năng động, trí thức; còn ngày xưa, con gái thắt đáy lưng ong, răng đen hạt huyền là qúa tuyệt! Phải chăng tiêu chuẩn cái đẹp này chỉ mang tính cách chủ quan và chỉ ở Việt Nam mà thôi?
Ngoài lời nói, chữ viết, còn có một cách diễn tả nữa đó là ngôn ngữ không lời. Ngôn ngữ này chỉ những người trong hoàn cảnh, không gian, thời gian nào đó mới hiểu nhau thôi.
Vd: Một ánh mắt, một nụ cười, một cái đánh lông nheo, một cái nhìn vu vơ của một cô nàng có thể đánh gục một đấng nam nhi. Một tiếng đập không bình thường của con tim có thể làm cho một anh chàng mất ăn mất ngủ vì một cô bé “lọ lem” nào đó. Những người khiếm thị, khiếm thính cũng vậy, họ có thể dùng cử chỉ của mình để nói lên ước muốn hay ý kiến của mình cho người khác.
Từ quan niệm về Thượng Đế, chân lý, con người, cái đẹp… Chúng ta có thể diễn đạt tư tưởng của mình nhiều cách khác nhau, điều kiện tối cần là làm sao chuyển tải tư tưởng của mình qua ngôn ngữ tức lời nói, chữ viết, ngôn ngữ không lời để người khác có thể hiểu được mình nói, viết và diễn đạt gì.
Phải chăng các cách trình bày tư tưởng của ta cũng giống như những chiếc áo ta khoác lên thân thể? Cũng một vấn đề Thượng Đế, Chân lý, con người, vẻ đẹp… nhưng mỗi người dùng ngôn ngữ, văn phong và cách trình bày khác nhau, đôi khi dẫn đến bất đồng, hiểu lầm nhau do khác biệt ngôn ngữ, môi trường sống (Đông Phương và Tây Phương), quan niệm riêng, ý thức hệ.
Vd: khi vui, ta nói và viết khác; lúc buồn, ta nói và viết cũng khác. Khi trẻ, ta suy nghĩ khác; lúc về già suy nghĩ cũng khác. Cũng thế, Tây phương có cách suy nghĩ và diễn đạt khác với Đông Phương. Một nhà triết học, khoa học, chuyên môn… có cái nhìn khác với một người ít học, không có chuyên môn về vấn đề Thượng Đế, vũ trụ, chân lý, con người…
Mặt khác, khi nói đến chiếc áo, ta có thể hình dung một tượng người làm mẫu ở “shop” thời trang. Hôm nay người ta mặc cho nó một chiếc áo dài màu đỏ, mai lại được khoác áo ngắn màu xanh dương; ngày mốt, áo hoa cà màu tím nhưng tượng ấy vẫn chỉ là một.
Cũng một cô gái, hôm nay mặc áo bà ba miền sông nước miệt vườn nhưng hôm mai lại diễn bộ cánh dạ hội sặc sỡ; ngày mốt, nàng lại mặc một bộ quần áo Jeans mà không ai nói đó là hai cô gái.
Trở lại vấn đề “Ngôn ngữ là chiếc áo của tư tưởng”, làm sao khẳng định được điều đó? Thưa, vì ngôn ngữ là phương tiện để chúng ta diễn đạt tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết hay ngôn ngữ không lời nhằm truyền thông cho người khác tư tưởng của ta. Nói thế không có nghĩa ngôn ngữ có khả năng diễn đạt hết mọi tư tưởng.
Phải chăng ngôn ngữ cũng có giới hạn?
Chúng ta nhận thấy, có những lãnh vực, có những tư tưởng dầu muốn chúng ta cũng không thể diễn đạt thành văn hay nói thành lời được.
Vd: Niềm tin của Công Giáo, mầu nhiệm… làm sao ta có thể giải thích hết các mầu nhiệm; vấn đề Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ đồng trinh, hồn xác lên trời? Đó là lãnh vực của niềm tin, dù rằng chúng ta có thể mổ xẻ, giải thích, nhưng chỉ một phần nào đó thôi? Vì thế, khi nói về Thiên Chúa là Đấng thông minh, toàn năng, toàn thiện… thánh Thomas Aquino còn nói thêm “và còn hơn thế nữa”. Nếu ta nói và hiểu được hết về Thiên Chúa thì đâu còn là Thiên Chúa nữa? Hoặc chúng ta giải thích được hết các mầu nhiệm thì đâu còn là mầu nhiệm nữa? Nói lên điều đó để chúng ta thấy được rằng ngôn ngữ cũng có giới hạn mà giới hạn của ngôn ngữ cũng là giới hạn của chúng ta, vì chúng ta làm chủ ngôn ngữ.
Vậy có nhiều loại tư tưởng, ngôn ngữ; có tư tưởng được hệ thống hoá như triết thuyết của các triết gia. Có tư tưởng và ngôn ngữ cứng nhắc, nệ luật như nhà binh; có tư tưởng và ngôn ngữ giàu cảm xúc như thơ văn; có tư tưởng và ngôn ngữ được trình bày theo một nét rất riêng như nốt nhạc, lời thơ, có nhiều cung bậc trầm bổng khác nhau. Có những tư tưởng được trình bày cách hệ thống để lại cho hậu thế biết bao điều tốt đẹp. Trái lại, cũng có những tư tưởng tự do và quan niệm phóng khoáng như thuyết hiện sinh vô thần của Nietzsche và J.P Sartre đã lôi cuốn biết bao thanh thiếu niên lao vào ăn chơi, phóng túng, tự do quá trớn. Có những tư tưởng sâu sắc được trình bày bởi ngôn ngữ trau chuốt, nhưng cũng có những tư tưởng được trình bày bằng những ngôn từ dung tục, kệch cỡm. Vì thế, có những tư tưởng hay mà được trình bày bằng những ngôn từ đẹp, trong sáng, thì chúng ta mặc cho tư tưởng của ta những chiếc áo không chỉ đẹp về hình thức mà còn phong phú về nội dung nữa. Mặt khác, tư tưởng có thể giống nhau nhưng cách trình bày lại khác nhau dẫn đến hiểu lầm, gây phản cảm, chống đối nhau.
Với những gì đã trình bày trên, tức đi tìm lời giải đáp cho vấn đề “Ngôn ngữ là chiếc áo của tư tưởng” như người ta nói, điều đó là có cơ sở, vì khi trình bày tư tưởng, ta khoác cho tư tưởng những chiếc áo ngôn ngữ mà ta muốn. Chiếc áo đó có thể dài, ngắn, đẹp… cũng có thể nó thô, xấu; ngôn ngữ khi ta trình bày tư tưởng cũng thế. Vì tư tưởng là cốt lõi, giống như thân thể, giống như tượng người mẫu như đã trình bày trên, còn ngôn ngữ là những chiếc áo ta khoác lên những thân thể đó tức là tư tưởng. Điều quan trọng là làm thế nào để có những tư tưởng hay, ngôn ngữ trau chuốt, hệ thống làm chiếc áo đẹp. Chúng ta cũng có thể dùng ngôn ngữ, tư tưởng của mình để đả phá, gây hấn, thóa mạ một ai đó. Lúc ấy, vô tình, ta mặc cho tư tưởng những chiếc áo bằng lời nói và chữ viết một cách diêm dúa, nông cạn, lộn xộn, không hệ thống, không có tính sâu sắc thì dù tư tưởng có hay, ngôn ngữ có phong phú bao nhiêu đi nữa cũng ít có giá trị.
Nguyễn Văn Hoàn
No comments:
Post a Comment