Một sự kiện đã và đang xảy ra hay một con người sống tên cõi đời này đều gắn liền với một thời điểm lịch sử. Mà khi nói đến lịch sử là nói đến thời gian, không gian và nơi chốn của sự kiện cũng như của người ấy lúc xuất hiện.
Vì thế, khi nghiên cứu một sự kiện, một con người xuất hiện trong lịch sử, người ta thường nghiên cứu và đánh giá dưới nhiều khía cạnh như: chính trị, xã hội, con người, văn hoá, triết lý, tôn giáo…
Cũng vậy, về phương diện lịch sử, sự kiện Đức Giêsu chết trên thập tự và cuộc đời của Ngài gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Đã hơn hai ngàn năm qua, Đức Giêsu và cái chết của Ngài đã không ngừng được nghiên cứu, đánh giá, bàn luận dưới nhiều góc cạnh.
Một trong những nghiên cứu, đánh giá, bàn luận ấy, một giáo sư triết học Marx – Lê cũng nói lên quan điểm của mình: “Người có đạo thờ ông Giêsu chịu treo trên thập tự: Đó chỉ là biểu tượng của một ước muốn giải thoát, chứ thật sự chẳng có gì”. Chúng ta suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên?
Từ Biến Cố Đức Giêsu Chết Trên Thập Tự
Thưa Giáo sư triết học quý mến, có thể Giáo sư đồng ý với ý kiến này: Nếu nghiên cứu hay đánh giá một sự kiện, một con người mà chúng ta chỉ dựa trên một chính kiến, một quan điểm, theo ý hướng chủ quan của một cá nhân, thì có thể chỉ đúng với cá nhân ấy; trái lại, theo khách quan, ý nghĩa và nội dung của sự kiện hoặc về con người ấy có thể giống mà cũng có thể hoàn toàn khác.
Thật vậy, theo quan điểm của Giáo sư, nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử, Đức Giêsu chịu treo trên thập tự là một biến cố lịch sử có thật, bởi chúng ta biết được nơi chốn, ngày tháng, động cơ… theo phương pháp của khoa học lịch sử.
Tài liệu nói về biến cố ấy là bốn Phúc Âm với bốn trình thuật về cuộc tử nạn và sống lại của Đức Giêsu Kitô, các phần khác của Tân Ước cũng nói đến.
Về phương diện lịch sử, đó là một sự kiện chắc chắn: Đức Giêsu đã bị chính quyền Roma đóng đinh trên một cây thập tự. Đó là một sự nhục nhã, bởi thời ấy, án phạt tử hình kiểu như thế làm hổ thẹn không chỉ cho tội nhân mà còn cho bất cứ ai liên hệ với tội nhân; dù vậy, Kitô giáo không bao giờ phủ nhận sự kiện ấy, vì thực sự, mọi việc đã xảy ra như thế. Không chỉ có bằng chứng của bốn Phúc Âm và toàn bộ Tân Ước mà còn có tài liệu làm bằng chứng của các sử gia Roma như Tacitus và Sueton, ngoài ra, sách Talmud của Do thái cũng nói đến sự kiện này .
Về ngày tháng, lịch sử thường nhận là ngày thứ sáu 07/04/30; một số ít sử gia thì cho là thứ sáu 03/04/30 .
Về nơi chốn, Đức Giêsu bị treo trên thập giá và chết ở ngoại thành Jerusalem, nước Do thái.
Về phương diện chính trị, Philatô truyền lệnh ghi tội như sau trên đỉnh thập tự: “Giêsu Nazareth vua dân Do thái”. Chi tiết này hoàn toàn chắc chắn về phương diện lịch sử. Trên phương diện này, có phần giống với ý tưởng của Giáo sư, có người cho rằng Đức Giêsu là một nhà cách mạng, đứng đầu một nhóm du kích “nhiệt tâm”(Zelot). Nhưng hẳn là không phải? Tuy nhiên, hoạt động của Ngài đã có thể xem ra như vậy dưới con mắt đa nghi của chính quyền Roma. Vì họ đã quyét sạch những nhóm như thế. Mặt khác, trong xã hội Do thái, tôn giáo và chính trị chỉ là một ; vì vậy, hành vi tôn giáo của Đức Giêsu chắc chắn bị coi là một cuộc vận động “chính trị”. Có thể, dưới con mắt của một số người, Đức Giêsu là một nhà ái quốc, hằng để tâm lo lắng cho số phận của đồng bào mình. Tuy nhiên, muốn đổi mới tình trạng xã hội của dân tộc, tất phải phê bình những ai có trách nhiệm, và đồng thời phải đề xuất những biện pháp cải cách lên chính quyền hoặc tôn giáo. Thế nhưng, ở Do thái thời đó, tôn giáo và chính trị chỉ là một .
Thưa Giáo sư, như giáo sư đã trình bày: “Người có đạo thờ ông Giêsu chịu treo trên thập tự: Đó chỉ là biểu tượng ước muốn giải thoát, chứ thực sự chẳng có gì” có thể đúng với cách hiểu và quan niệm của giáo sư trên phương diện chính trị. Vì một nước bị đô hộ, thì ước muốn được tự do và giải thoát là điều đương nhiên và là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Kinh nghiệm đó, ước muốn đó cũng giống như đất nước Việt Nam chúng ta trong thời bị giặc ngoại xâm đô hộ. Một điều cũng rất dễ hiểu, là một giáo sư triết học Marx – Lê, dĩ nhiên giáo sư hiểu và quan niệm theo Marx – Lê về vấn đề tôn giáo, mà Marx chủ trương vô thần: “Tôi ghét tất cả các thần minh”, và theo ông: “Con người là chủ tể đối với con người” . Khi phủ nhận Thiên Chúa và xem vật chất là trường cửu, Marx đi đến coi “tôn giáo là nha phiến của nhân dân”. Vì đối với Marx, chỉ những chân lý do khoa học thực nghiệm đưa ra mới có giá trị tuyệt đối; còn mọi ý thức hệ khác, siêu hình học, tôn giáo… đều tương đối, nghĩa là không có giá trị khách quan .
Nhưng nếu chúng ta chỉ chấp nhận chân lý do khoa học thực nghiệm bởi vì nó có giá trị tuyệt đối, nhưng theo Kant và Husserl, là chúng ta chỉ biết được hiện tượng của sự vật (phénomène), còn vật tự thể (noumène), chúng ta không hề biết. Vậy làm sao Giáo sư có thể giải thích được ý nghĩa của việc Đức Giêsu chịu treo trên thập tự là “chẳng có gì”? Nếu Giáo sư chỉ căn cứ : “Ông Giêsu chịu treo trên thập tự: Đó chỉ là biểu tượng ước muốn giải thoát” trên phương diện chính trị và ý thức hệ và phủ nhận “chứ thực sự chẳng có gì”, nghĩa là chỉ căn cứ trên sự kiện và chỉ coi đó là biểu tượng mà không hề biết rằng đâu là ý nghĩa của cái chết của Đức Giêsu và sau cái chết ấy còn có gì nữa không?
Giáo sư không biết rằng, biểu tượng cho thấy một cái gì vượt qua chính nó, hơn hẳn
nó và đi sâu vào trong ý thức của chúng ta. Chính vì thế, biểu tượng không chỉ cho chúng ta thấy một cái gì đó vượt qua nó thôi, nó còn tham dự vào chính sức mạnh của cái mà nó biểu thị, nhưng điều đặc biệt quan trọng là biểu tượng có thể làm cho thực tại nó biểu thị trở thành hiện tại cho chúng ta lúc này .
Như vậy, nếu Giáo sư chỉ quan sát sự kiện “ông Giêsu chịu treo trên thập tự” với thái độ của một người bàng quang, không có một chút kinh nghiệm gì về tôn giáo thì làm sao Giáo sư biết được mục đích của cái chết ấy là gì? Bởi động lực nào? Cho ai? Nếu Giáo sư cho sự kiện ấy “thật sự chẳng có gì”, thì tại sao người có đạo lại thờ Ông ấy, mà không chỉ một người mà rất nhiều người, từ đời này sang đời khác? Chẳng lẽ họ lầm cả sao?
Còn sự kiện Đức Giêsu phục sinh thì sao? Đâu là niềm tin của người có Đạo? Đối với Kitô giáo, con người không chỉ nhờ lý trí, mà con nhờ vào niềm tin, nghĩa là được Thiên Chúa mạc khải cho. Vậy chúng ta không thể tách rời sự kiện Đức Giêsu chết và sự phục sinh của Ngài ra làm hai được. Vì khi tách rời như vậy, mỗi vế sẽ mất đi ý nghĩa.
Hơn nữa, thưa Giáo sư, vì con người là hiện thân của một câu hỏi vô tận; trả lời xong một câu hỏi, thì sẽ có một câu hỏi khác được đặt ra, và mãi mãi như thế, bởi trí khôn con người không bao giờ hoàn toàn thoả mãn và nghỉ yên. Bởi vậy, sự kiện Đức Giêsu chịu chết trên thập tự và sự phục sinh của Ngài, ngoài sự hiểu biết của lý trí, con người còn phải cần đến niềm tin.
Đến Niềm Tin Vào Chúa Giêsu Phục Sinh
Như đã nói, sự kiện Đức Giêsu chết trên thập tự là một biến cố lịch sử nhưng sự kiện ấy cũng là một biến cố siêu lịch sử. Biến cố siêu lịch sử, bởi sự kiện ấy hàm dung một ý nghĩa mà chỉ nhận ra được với ánh sáng đức tin. Biến cố duy nhất ấy có hai mặt: chết và sống lại, hai mặt không thể tách rời nhau, để mỗi bên khỏi mất đi ý nghĩa. Thần học dùng cách biểu đạt khi nói rằng Đức Giêsu Kitô “chết vào sự sống lại”, tức coi sự chết như ngưỡng cửa dẫn vào sự sống mới. Tính cách xem như tiêu cực của sự chết, thực ra là một chiều kích tuyệt vời của khía cạnh tích cực. Sự chết của Đức Giêsu trên thập giá ấy, đối với một số người, được coi như một sự điên rồ và một sự nhục nhã, thì thánh Phaolô lại tuyên bố một cách hùng hồn: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1, 18), và “trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-24). Bấy giờ người có đạo hiểu tại sao điên rồ của thập giá lại chính là sự khôn ngoan khôn ví của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 24). Bởi lẽ sự kiện lịch sử ấy chính là yếu tố tạo nên mầu nhiệm Đức Kitô và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. Pl 2, 8).
Hơn nữa, Con Thiên Chúa bị giết chết trên thập tự là trường hợp điển hình và tiêu biểu nhất trong các “đường lối” khôn lường của Thiên Chúa, của khôn ngoan sâu thẳm không dò thấu (x. Rm 11,13). Thật vậy, Thiên Chúa đã dùng những sự kiện và lịch sử của loài người, và qua sự kiện và lịch sử ấy, Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Như vậy, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đi trong lịch sử của nhân loại. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được Ngài hứa ngay sau khi Ađam và Eva phạm tội (x. St 3, 15), chọn Abraham làm tổ phụ của một dân tộc (x. St 12, 1-3), chọn Israel là dân riêng của Ngài, khi dân Israel nô lệ ở Ai cập, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà giải thoát họ (x. St 15, 30-31) và cuối cùng, Ngôi lời của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã nhập thể, giáng thế để cứu chuộc nhân loại (x. Ga 1,14; 3,16) và cuộc tử nạn của Đức Giêsu là giờ phút quyết định của lịch sử cứu độ ấy.
Do đó, cuộc tử nạn của Đức Giêsu không phải là vô lý, không phải là dấu chứng của bất lực, chẳng có gì, trái lại, đó là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 24). Như vậy, thập giá là khí cụ để giải phóng loài người khỏi ách của các quyền lực vũ trụ và là biểu tưởng của tự do (x. Cl 1, 20; 2,14; Ep 2, 24). Nơi thập giá, tiềm ẩn mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu rỗi con người. Mầu nhiệm này trí lực loài người hay nỗ lực suy tư không thể đạt tới chỗ hiểu thấu; duy chỉ có đức tin mới đón nhận và cảm nghiệm được . Để đạt được lòng tin kiên vững này, người có đạo phải cần đến ánh sáng đức tin và ơn trợ lực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vì Đức Giêsu đã nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 44; 1Cr 12, 3). Nhưng ánh sáng đức tin ấy là gì? Là tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian, đã chết và sống lại để cứu nhân loại. Về việc Đức Giêsu sống lại, thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (1Cr 15, 14), và “lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15, 17). Theo chiều hướng của thánh Phaolô, người ta có thể suy luận thêm, nếu Đức Giêsu không sống lại thì Ngài chỉ là một con người bình thường và Ngài không phải là Thiên Chúa, nhưng sự thật Đức Giêsu đã sống lại, và niềm tin ấy phải được được tuyên xưng một cách công khai: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ (Rm 10,10).
Như vậy, đức tin đã nhận ra ý nghĩa của thập giá, qua sự phục sinh, thay vì chỉ thấy đó là dụng cụ cực hình nhục nhã, thì dụng cụ ấy đã trở thành phương thức cứu độ. Qua cái chết trên thập tự của Đức Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho thế gian (x. Ga 3, 16), đến độ Đức Giêsu đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Vì thế, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, con người mới được cứu độ. Về sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, các tông đồ đã đồng thanh làm chứng (x. Cv 5, 30-32) và không ngừng rao giảng cho muôn dân.
Lời rao giảng tiên khởi trình bày sự phục sinh của Đức Giêsu chủ yếu như là sự can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa vào trong lịch sử của loài người. Nếu như trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra như Đấng đã cứu độ Dân Người qua biến cố xuất hành, thì biến cố quá khứ ấy giờ đây được xem như là điềm báo cho biến cố này. Sự phục sinh của Đức Giêsu là biến cố cứu độ chung cuộc .
Mặc dầu Thiên Chúa đã hoạt động trong suốt dòng lịch sử và vẫn còn tiếp tục hoạt động hôm nay, tuy nhiên qua biến cố phục sinh, tác động cứu độ của Thiên Chúa đạt tới chóp đỉnh. Tất cả những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra đều lệ thuộc vào biến cố này. Qua biến cố này Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và tỏ mình ra một cách trọn vẹn như là Đấng cứu độ. Theo nghĩa đó, sự phục sinh của Đức Giêsu là hành vi mạc khải rạng rỡ nhất của Thiên Chúa về bản thân Ngài và về kế hoạch của Ngài.
Vì thế, sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô không chỉ là biểu tượng ước muốn giải thoát mà chính Ngài là Đấng giải thoát, giải thoát con người khỏi mọi ách bạo chúa: Từ lề luật, tôn giáo, chủ nghĩa, khoa học, quỷ thần, cho đến nhục dục, tham lam, kiêu ngạo… và nhất là giải thoát con người ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, để họ trở thành người tự do, trở nên con cái của Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu rỗi. Chính sự “điên rồ thần thiêng” này là đặc tính của đường lối Kitô giáo, khác hẳn với các dạng khôn ngoan khác .
Vậy muốn được cứu rỗi, con người phải tin vào Đức Giêsu Kitô là Chúa, đã chết, đã sống lại và là Đấng cứu độ trần gian. Chính niềm tin vào Thiên Chúa làm nảy sinh trong họ lòng mến và củng cố niềm cậy trông (x. Dt 11,1). Bộ ba này là những nhân đức đối thần giúp con người có một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và một mối tương quan bản vị với tha nhân. Vì khi họ được cứu rỗi, và nhờ tương quan bản vị, mà tha nhân cũng được cứu rỗi với họ.
Bấy giờ, cái chết của Đức Giêu trên thập tự, không chỉ là “biểu tượng của một ước muốn giải thoát và chẳng có gì” nhưng là sự giải thoát thật sự, vì con người đang nếm được sự giải thoát ấy, và sự thực họ đang ở trong sự giải thoát của Đức Giêsu Kitô.
Mặc dầu khác nhau về tư tưởng, tôn giáo… nhưng chúng ta cùng nhìn về một sự kiện Đức Giêsu chịu treo trên thập tự và cùng tìm ra ý nghĩa của sự kiện ấy. Nếu Giáo sư chỉ dừng lại ở cái chết của Đức Giêsu trên thập tự, thì đối với những người có đạo, cái chết đó mới chỉ là tiền đề cho sự phục sinh của Ngài đi liền sau. Chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô mới giải thoát họ, và nhờ sự chết và phục sinh ấy, họ mới được cứu rỗi.
Những gì đã được trình bày trên, mặc dù có thể chưa đầy đủ hoặc chưa quán triệt nhưng người viết tin rằng Giáo sư triết học đã hiểu được phần nào ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu và sự phục sinh của Ngài.
Thật vậy, khi nghiên cứu hay đánh giá một sự kiện, chúng ta không thể nghiên cứu hay đánh giá theo cách chủ quan, ý thức hệ và theo giới hạn nhận thức của mình, nhưng đánh giá sự kiện dưới nhiều góc cạnh, nghĩa là nghiên cứu, đánh giá một cách đa diện, thì khi đó, chúng ta mới hy vọng hiểu được ý nghĩa của sự kiện cũng như nội dung vốn có của sự kiện ấy muốn chuyển tải cho chúng ta.
NVH
NVH
No comments:
Post a Comment