Saturday 16 April 2011

MÙA ĐÔNG XỨ LẠ

Khi nói đến mùa đông, người ta thường nghĩ đến thời tiết se lạnh, chẳng còn nắng vàng, chẳng có gió thanh, tiết trời ảm đảm mịt mù, cây cối trụi lá, hoa thơm cỏ lạ cũng đã vội vàng chia tay cuối thu… Nếu mùa đông là khoảng thời gian thiếu sức sống như thế lại ở nơi xứ lạ chắc hẳn nhiều người sẽ rùng mình tự hỏi: „Mùa đông xứ lạ“ có gì vui?
Ai cũng biết thời gian vốn xoay vần, hết mùa hè sang mùa thu, hết thu lại sang đông và hết đông là bắt đầu một chu kỳ mới với mùa xuân. Mỗi mùa người ta thường mặc cho nó những ý nghĩa và nhiều hoạt động hay sự kiện văn hóa xảy ra trong đó, tùy thuộc vào không gian và thời gian.
Trong bài viết này tôi muốn nói đến cảm nhận của mình về mùa đông nơi mảnh đất xa xôi Áo quốc, nơi tôi có dịp sống và học tập tại đây.
Cảm nhận đầu tiên của tôi về mùa đông ở Áo là cây cối trơ cành trụi lá, sắc xanh muôn thủa lá đã không còn lý do để hiện hữu nữa, những cánh lá bịn rịn rơi rụng để lại thân, cành cây đứng cười với gió đông và hứng chịu giá lạnh của tuyết.
Mùa đông về, gió đông cũng lẽo đẽo về theo, làm cho thời tiết trở nên se lạnh, lạnh, rất lạnh, lạnh đến thấu xương! Vì thế, áo ấm, ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, người ta còn đòi hỏi ở chúng chức năng bảo vệ thân thể, luôn giữ cho thân thể đủ độ ấm và có lẽ nhiều người cảm thấy rất bất tiện khi „hữu sự“ bởi vì thân thể được bao bọc nhiều tầng lớp như vậy!
Điều tiếp theo làm tôi rất phấn chấn là được ngắm tuyết rơi, một hiện tượng trước đây chỉ được xem trên truyền hình hay phim ảnh, còn bây giờ là thực, đang diễn ra trước mắt, rất đẹp, rất lãng mạn! Những bông tuyết rơi, bay lượn như những cánh hoa, làm cho bầu trời hiện lên một màu trắng xóa. Chỉ một vài ngày sau, toàn bộ những mái ngói đỏ tươi hay bất cứ khoảng không nào trên mặt đất đều bị phủ một lớp tuyết dày đặc, nhìn cảnh vật chỉ toàn một màu trắng, tôi cảm tưởng như mình đang lạc vào một nơi nào đó thật xa lạ, nếu như không có bóng người, ai đó có thể đã gọi đây là xứ sở „thần tiên“ chăng?!
Tuy mùa đông giá lạnh và được bao bọc bởi màu tuyết trắng nhưng cũng có nhiều điều thú vị, bởi không khí hy vọng đan xen niềm vui của lễ Giáng Sinh như đang hé mở, làm cho lòng người tràn ngập niềm hạnh phúc và nhanh chóng quên sự lạnh giá của mùa đông. Để chuẩn bị lễ Giáng Sinh, người ta đã tổ chức các cuộc lễ hội tưng bừng giàu truyền thống Kitô giáo nhằm đánh dấu sự kiện quan trọng nhất trong năm. Các hội chợ liên tục được tổ chức, những cuộc thưởng lãm nghệ thuật liên tục được diễn ra, những người yêu mến văn hóa ẩm thực cũng có dịp được thưởng thức những sản phẩm nổi tiếng, và những người đến với lễ hội vừa khám phá vừa diễn tả những nét đặc sắc văn hóa của Áo.
Các chương trình ca nhạc cũng được dàn dựng công phu, những bài hát nổi tiếng thế giới xuất xứ từ Áo quốc như Weihnacht (Holy Night) của đồng tác giả Josef Mohr & Franz Xaver Gruber, năm 1818 được dịch ra nhiều thứ tiếng và được hát khắp nơi trên thế giới. Điều này không có gì lạ, vì Áo quốc được xem như một đất nước của âm nhạc, đất nước đã sinh ra thiên tài âm nhạc thế giới Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) và là quê hương thứ hai của thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven (1770-1827), vì ông sinh trưởng tại Đức nhưng nửa cuộc đời còn lại, ông đã chọn thành phố Wien cổ kính làm nơi cư ngụ và hoạt động âm nhạc lúc sinh thời.
Thế hệ trẻ người Áo, vì được sống trong bầu khí âm nhạc, lại được thụ hưởng kiến thức âm nhạc ở trường học nên hầu như bạn trẻ nào cũng giỏi nhạc lý và có thể chơi được một vài nhạc cụ. Từ đó âm nhạc đã hiện diện hầu hết trong mọi sinh hoạt đời thường của người dân Áo. Có lẽ ngoài ngôn ngữ, âm nhạc là phương tiện hữu hiệu truyền tải hết được mọi cung bậc cảm xúc của con người; là liều thuốc tinh thần có thể xoa dịu những căng thẳng trong cuộc sống; là thú tiêu khiển của những bậc danh gia vọng tộc, nếu xét về sự thưởng thức âm nhạc kiểu „bác học“; và là những đứa con tinh thần của những bậc thiên tài.
Có thể nói mục đích của những lễ hội trên là người Áo muốn diễn tả niềm vui qua những sự kiện giàu tính văn hóa, nhưng bên cạnh đó còn một mục đích quan trọng nữa là chuẩn bị tinh thần đón mừng Chúa Giáng Sinh và Năm Mới. Theo niềm tin Kitô giáo, Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài là vị vua Hòa Bình đến để ban bình an cho nhân loại, là Đấng giàu lòng thương xót đến để xoa dịu, ủi an và sẻ chia với những người đau khổ, đói nghèo và tuyệt vọng, hơn thế nữa, Ngài còn là vị Cứu Tinh đến để cứu con người khỏi kiếp nô lệ tội lỗi, sự chết và cho con người được hưởng ơn cứu độ.
Điều đặc biệt nữa là người Áo đã dùng âm nhạc và lễ hội để truyền tải nét văn hóa sống động giàu tính truyền thống Kitô giáo xua tan những ngày mùa đông buốt giá. Thiết nghĩ, trong những thời khắc vui mừng đón Giáng Sinh và Năm Mới, mỗi người trong chúng ta có thể đốt lên một ngọn lửa tình yêu làm xua tan những tấm lòng băng giá vì hận thù hay ghen ghét; nối dài những vòng tay yêu thương và bắc những nhịp cầu thân ái chia sẻ để nối liền những hố sâu ngăn cách và phân biệt; đồng thời cầu chúc cho mọi người trên đất nước Việt Nam và khắp nơi trên thế giới được hưởng một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc và nơi tấm lòng của mỗi người luôn có tình yêu, sự bình an và lòng vị tha ngự trị.
Áo quốc, 20/12/2009

No comments:

Post a Comment