Wednesday 20 April 2011

MỘT VÀI CẢM NGHĨ VỀ TUYỆT PHẨM “GLADIATOR”

(Hơn một lần bạn đã xem những tác phẩm điển ảnh nổi tiếng và chúng đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng đẹp? Tôi cũng thế. Bộ phim “GLADIATOR - Dũng Sĩ Giác Đấu ” đã để lại trong tôi những cảm nghĩ rất riêng...)

Con người được sinh ra, sống trong cuộc đời và lúc lìa khỏi đời, không còn hiện hữu trên thế giới này nữa giống như gió thoảng, mây bay không để lại vết tích. Thế nhưng, một chiếc lá lìa cành, trở về với nguồn cội còn muốn làm được điều gì đó để lại trong lòng đất, làm cho đất phì nhiêu, cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Con người cũng thế, đi vào cuộc đời, sống trong cuộc đời, khi nhắm mắt lìa đời cũng muốn có danh gì với núi sông.

Sinh vào cuộc đời, dầu muốn dầu không, con người cũng phải chấp nhận thân phận người, phụ thuộc vào thời gian, không gian, môi trường sống… Con người tuy nhỏ bé nhưng ước vọng và hoài bão thì quá lớn lao, lớn hơn bầu trời, không thể đo lường được! Tham vọng, đam mê có thể là những liều thuốc thần dược bồi bổ và làm điểm tựa cho con người đạt đến mục đích. Con người xây dựng cuộc sống qua muôn hình muôn vẻ. Từ tư tưởng, ước vọng và hoài bão cao đẹp cho đến những điều xem ra làm cho con người không xứng đáng với phẩm giá con người nữa.

Bởi thế, tư tưởng, chính trị, quyền lực, danh vọng, hạnh phúc, tình yêu, hận thù, gian xảo… là những đích ngắm của người này nhưng cũng là điều đáng tránh của người khác. Đó cũng là những vấn đề không của riêng ai nhưng đối với những người có tham vọng, muốn làm nên lịch sử, muốn tạo dấu ấn với đời thì những thứ kia là những cái đích họ nhắm tới. Tất cả những điều trên chúng ta gặp thấy trong tuyệt phẩm “Gladiator”.

Vào thời hoàng kim, đế quốc La mã trải rộng từ sa mạc Châu Phi đến biên giới miền bắc Anh quốc. Hơn ¼ thế giới sống và chết dưới sự cai trị của các Hoàng đế La mã. Mùa đông năm 180, cuộc chiến với những bộ tộc rợ Germania của Hoàng đế Marcus Aurelius đã đến lúc kết thúc, mở ra triển vọng hoà bình trong toàn cõi đế chế. Marcus Aurelius là một hoàng đế La mã. Trên cương vị của một vị vua, ông là người thống nhất được toàn cõi đế chế, là một vị vua tài ba, anh minh, can đảm. Ông có công dẹp các dân rợ là mối hiểm hoạ cho đế chế của ông. Vua Marcus Aurelius còn là một triết gia, theo trường phái khắc kỷ, ông hiểu rõ thân phận con người mong manh và luôn muốn được sống hạnh phúc. Chứng kiến cảnh chết chóc của dân chúng do chiến tranh gây ra, ông cảm thấy đau lòng. Nhờ suy tư triết học, ông muốn tái lập triều đại vững mạnh, quốc thái dân an, con dân được hạnh phúc và  không còn bóng dáng của chiến tranh. Ông có hai người con: công chúa Lucilla và hoàng tử Commodus. Lucilla thì hiền lành, thông minh, điềm đạm, có tài xoay xở. Vua cha đã có lần khen nàng như sau: “Nếu sinh ra con là một người đàn ông, con sẽ là ông vua tài giỏi”. Thế nhưng, theo tục lệ, hoàng tử Commodus sẽ kế nghiệp vua cha, làm hoàng đế La mã. Biết rõ tâm địa ác độc, gian xảo, nhẫn tâm của Commodus, Marcus Aurelius không đành lòng trao vương quốc cho người con bất tài ấy. Ông muốn gã công chúa Lucilla và trao quyền điều khiển đế quốc cho Maximus, một vị tướng tài ba, tinh thông võ nghệ, đánh dông dẹp tây nhưng cũng rất đỗi trung thành với Roma và với Marcus Aurelius.

Tuy nhiên, vị tướng này đã có vợ con nơi thôn trang. Sau cuộc chiến cuối cùng, Maximus  muốn được lưu lại nơi quê nhà yên bề gia thất, dã từ vũ khí, vui sống cảnh điền viên, sống cuộc đời chân lấm tay bùn mà thơ thới bình an. Nhưng trở về quê nhà, đối với Maximus chỉ còn là ước mơ vì vua Marcus Aurelius muốn Maximus nối nghiệp mình, lãnh đạo đế quốc. Tiến thoái lưỡng nan, Maximus phải chọn Roma, sự trung thành với nhà vua và gia đình vợ con; một quyết định rất khó đối vơi Maximus.

Commodus biết được ý định của vua cha, nên đã nhẫn tâm giết người cha ruột bằng một cử chỉ ôm hôn cung kính, rồi tiếm ngôi, hành động này nói lên tâm địa độc ác của Commodus.

Lên ngôi hoàng đế, Commodus cai trị dân chúng bằng dường lối “nắm đấm và ổ bánh mỳ”, tức khôi phục lại trường giác đấu, lo ăn chơi hả hê trên nhưng giọt máu và cái chết của những dũng sĩ mang danh nô lệ. Không những thế, Commodus còn được người đời tặng cho danh hiệu không mấy tốt đẹp là “ông vua bạo dâm”, dan díu với cả Lucilla, chị ruột của mình. Khi lên ngôi vua, Commodus manh tâm giết Maximus và vợ con vị tướng này. Chiếu chỉ được ban ra, Quintus hạ lệnh giết vợ con của Maximus, còn Maximus thoát khỏi cái chết nhờ sự tài ba của mình, giết những tên lính thi hành án. Về lại được quê nhà, nhìn cảnh tiêu điều của ngôi nhà đã bị thiêu rụi, vợ con đã bị giết chết, đau lòng trước cảnh tang thương này, lại vừa bị thương, Maximus đã nằm bất tỉnh. Một đoàn người Ả rập đã bắt Maximus, đem bán cho Proximus, một ông bầu của trường giác đấu. Trở thành nô lệ, sống trong cảnh “cá lớn nuốt cá bé”, phải chứng kiến những cái chết bi thương và những lời tung hô ghê rợn, cuồng loạn của dân chúng. Nhờ tài võ nghệ, đánh đâu thắng đó, Maximus và những người bạn của ông được Proximus đưa về Roma đấu với những tên thiện xạ tại hý trường Colesium. Về nơi cố quận, Maximus  gặp lại cố nhân Commodus  và Lucilla, tình yêu chớm nở nhưng lòng trung thành với Roma và với Marcus Aurelius  như tiếp thêm sức mạnh, ông quyết định bước đi con đường chính nghĩa, tức thực hiện lời hứa với Marcus Aurelius mà Maximus coi như cha mình là lập viện Nguyên Lão, tập hợp gồm những bậc hiền triết cao minh do chính các bộ tộc trong đế quốc bầu lên để hợp tác lãnh đạo và cố vấn cho hoàng đế, mở ra thời kỳ cộng hoà, con dân được tự do.

Gặp lại Maximus, Lucilla càng đau lòng vì tình yêu trắc trở của nàng và Maximus không thành, đồng thời phải cung phụng đứa em Commodus như một vương phi. Chính trường rối ren, tình duyên trắc trở nhưng Maximus vẫn một mực trung thành với Roma và với cố hoàng đế Marcus Aurelius. Được sự giúp đỡ của Gracchus và Lucilla, Maximus có thêm nghị lực, giết Commodus, lập nên chế độ cộng hoà, đứng đầu là viện Nguyên Lão. Tuy Maximus không thoát khỏi bàn tay ác độc của Commodus, nhưng cái chết của Maximus mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ con dân Roma được tự do và đế quốc Roma bước vào trang sử mới. Còn cái chết của Commodus là một cái chết nhục nhã của một kẻ tội đồ, một người đáng lẽ không nên xuất hiện trong sử sách huy hoàng của Roma.

Tóm lại, những biến cố lịch sử, những con người đã từng làm nên lịch sử, các hoàng đế, các vị tướng, những người dân đã được tái diễn trên màn ảnh sống động. Chúng ta không những chỉ nghe nói, đọc lại từng trang sử oai hùng, bi thương mà còn có thể cảm, sờ mó được những con người thật trên màn ảnh. Một vị vua anh minh và cũng là một triết gia, Marcus Aurelius đã để lại cho người hôm nay những trăn trở của thân phận làm người, làm thế nào để quốc thái dân an, con người được hạnh phúc. Một vị tướng tài ba, trung thành, Maximus đã làm cho biết bao nhiêu người ngưỡng mộ không những về tài năng mà còn về lòng trung thành. Một công chúa Lucilla thông minh, tài giỏi nhưng đã không thể vượt qua quyền lực và lòng nhẫn tâm của đứa em trai Commodus. Một vị vua gian ác, độc địa, gian xảo Commodus đã để lại cho lịch sử những vết đen không thể nào tẩy xoá. Những sự kiện, những con người, và cả nội dung của tác phẩm “Gladiator” đã để lại cho người xem những điều phải suy nghĩ và đem lại những bài học quý giá. Nếu chúng ta dành một chút thời gian ngẫm nghĩ, ta sẽ tìm ra được những điều lý thú từ tác phẩm đó.

Thế nhưng, việc phân tích, lượng giá toàn cục tác phẩm “Gladiator” là một điều rất khó, trong bài này, người viết chỉ chọn những nhân vật và những sự kiện chính để phân tích, lượng định, nêu lên những ưu khuyết của những nhân vật và các sự kiện ấy và thêm một chút suy tư về Roma hôm nay được khởi sự trên mảnh đất và trên chính triều đại Marcus Aurelius và Maximus đã cố công gầy dựng ngày xưa ấy.
         
Dòng thời gian trôi từ qúa khứ đến hiện tại và chuyển dần về tương lai, đã có biết bao thời đại, con người, đế chế, sự kiện qua đi nhưng lịch sử vẫn còn đó. Để xây dựng một đế quốc, phải có những người tài giỏi, thông minh, lòng trung thành, can đảm… La mã là đế quốc hội đủ những điều kiện trên. Vua Marcus Aurelius, một triết gia lỗi lạc, Maximus, một viên tướng tài giỏi, can đảm, trung thành với vua, với Roma; ngoài ra còn có nhiều người thông minh tài giỏi khác đang một lòng vì Roma giàu mạnh, bá chủ toàn cõi lục địa già. Đó cũng là một điều rất dễ hiểu là tại so đế quốc Roma lại hùng mạnh và bá chủ một vùng đất rộng lớn đến như vậy.

Bành trướng về sức mạnh quân sự là một việc làm cần thiết của các cường quốc vì qua đó để giới thiệu với thế giới về sức mạnh vốn có của mình và cũng đưa ra những thông điệp nhằm răn đe những kẻ có thể tranh giành miếng bánh và chiếc ghế quyền lực họ. Khai hoá những dân tộc mọi rợ, man di được xem là bổn phận và trách nhiệm của những bậc quân vương thời đó, nhằm mở rộng đế chế và cho họ chút ân huệ, tức đem ánh sáng văn minh soi vào những nơi tăm tối. Đó phải chăng là những điều mà Marcus Aurelius đã từng nghĩ ? Ông không ngừng đánh chiếm các dân rợ với nguyện vọng thống nhất đế quốc và ông đã làm được điều đó. Chiến thắng bao giờ cũng vẻ vang, thế nhưng việc đổ máu  những người vô tội sẽ làm cho những người có “chính tâm” không thể ăn ngon ngủ yên.

Chiến tranh là điều vinh quang cho kẻ bất khả chiến bại nhưng là tội ác mà người chiến thắng phải mang theo. Sự chết chóc, tàn bạo, thương tổn của chiến tranh là điều ghê rợn nhất trong lịch sử nhân loại. Một con người có tâm hồn thanh cao, minh triết thế sự như hoàng đế – triết gia Marcus Aurelius có lẽ biết rất rõ điều đó. Nhưng thời cơ đun đẩy, cờ đến tay lẽ nào Marcus Aurelius không phất? Việc thống nhất Roma là một chiến công vĩ đại, được dân chúng tán thưởng không ngớt. Điều cần làm lúc này không gì khác là tạo dựng một đế chế quốc thái dân an, mọi người được hạnh phúc. Vì theo Marcus Aurelius, “nhiệm vụ của triết gia là đem đến cho con người niềm an ủi và sự thư thái tinh thần. Bởi vì những gì con người tạo ra đều nhất thời, chỉ có cái chết mới là vĩnh cửu, vì thế hãy sống thực hồn nhiên”, mà ông là một hoàng đế – triết gia nên sứ mệnh đó đối với ông càng cao cả biết bao! Ước muốn của ông là lập viện Nguyên Lão tập hợp gồm những bậc hiền triết cao minh do chính các bộ tộc trong đế quốc bầu lên để hợp tác lãnh đạo và cố vấn cho hoàng đế. Rất tiếc ước vọng đó ông đã không kịp thực hiện, vì tuổi già xế bóng đã đến gần và nội bộ gia đình lại rối ren.

Thấy trước viễn cảnh không mấy tốt đẹp, tuổi già, sức yếu, Marcus Aurelius đã tính sẽ giao quyền cho Maximus, người sẽ kế vị mình lãnh đạo đế quốc. Nhưng tại sao Maximus lại được Marcus Aurelius chọn làm người thực hiện ước mơ của ông mà không phải là hoàng tử Commodus, con của ông? Như chúng ta đã biết, Maximus là một vị tướng anh dũng, đánh đông dẹp tây, đi đến đâu là chiến thắng tới đó. Maximus là một người quân tử mà một người quân tử thì làm tất cả vì nghĩa chứ không vì lợi. Maximus là người quân tử vì đối với gia đình, ông giữ trọn chữ Trinh Tiết, một người chồng, một người cha tốt, dù phải chiến đấu nơi sa trường, nơi biên ải xa xôi nhưng trong lòng Maximus không bao giờ vắng bóng người vợ hiền và đứa con thơ. Theo Đông phương thì Maximus là một người giữ đạo phu - phụ và phụ - tử một cách mẫu mực. Tuy nhiên, gia đình dù có thiêng liêng, cao cả đến mấy Maximus cũng sẵn lòng hy sinh việc tư để lo việc công. Việc công đó là gì nếu đó không phải là việc nước, việc của đế quốc? Maximus là một người rất trung thành với vua và còn hơn thế nữa là ông trung thành với Roma.

Hiểu được bổn phận của một người con của đế quốc, ông ra sức thực thi điều vua Marcus Aurelius truyền. Maximus là một vị tướng trung với vua, hiếu với dân, với gia đình. Ông giữ đạo quân - thần, trung với minh quân, tức hoàng đế Marcus Aurelius. Maximus đã thể hiện nguyên tắc đối xử, theo Đông phương, là Trung và Thời, có nghĩa Maximus không bao giờ suy nghĩ, hành động một cách thái quá hay bất cập mà thể hiện đường lối Chiết Trung, tức dung hoà giữa hai thái cực và biết dựa vào Thời để hành động. Maximus hành động như một người biết “cách vật”, hiểu tường tận về con người, tư tưởng, đường hướng của Marcus Aurelius. Maximus cũng biết đế quốc và Roma đang cần gì nơi mình. Maximus cũng là người “trí tri”, tức có một tri thức xác đáng khả dĩ, “thành ý và chính tâm” nên “tu thân” rồi mới “tề gia, trị quốc” và cuối cùng là “bình thiên hạ”. Maximus không nhỏ nhen ích kỷ chờ đợi thời hay nhân dịp mọi người đang tán thưởng mình, biết nội tình hậu cung của Marcus Aurelius để cướp ngôi, truất phế người tiền nhiệm nhưng là giúp nước, phò vua, biết người biết ta. Nếu vì lợi, tức hành động của kẻ tiểu nhân, Maximus có thể lợi dụng cơ hội để cướp quyền thế ngôi nhưng Maximus đã không làm như thế. Điều đó cho thấy Maximus đúng là vị tướng “chính danh”, sống thực như ông vốn có, xứng đáng bậc quân tử.

Maximus là một vị tướng giỏi, một con người tài ba, đức hạnh, can đảm. Maximus dũng cảm xả thân vì nghĩa. Thế nhưng, người làm điều thiện lại là người không được hưởng thành quả tốt đẹp cho riêng mình. Thử đan cử một vài sự kiện để chứng minh điều đó: vợ con của Maximus chết, riêng Maximus thì thân bại danh liệt, bị Commodus lôi xuống khỏi vũ đài chính trường cũng như chiến trường. Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử, nó có thể là nền làm nên vinh quang cho một ai đó nhưng cũng rất đỗi phủ phàng. Con người làm nên lịch sử, nhưng lịch sử cũng có lúc nhấn chìm con người, thể chế, chính trị… vào trong cõi “vô thức” của lịch sử. Họ không còn hiện hữu dù là một cái tên, một hình bóng giữa hiện tại cũng như trong tương lai. Đó là sự thật quá phủ phàng phải không? Con người sống, muốn tìm cho mình một chút gì để khai sáng, bồi đắp cho cuộc đời thêm đẹp, thêm tươi. Do đó, chính trường cũng có thể là mồ chôn, cũng có thể là đài vinh quang của những vị tướng, của những đoàn quân. Nhưng chiến tranh cũng có lúc phải kết thúc. Danh vọng cũng có lúc phải phai tàn, chỉ có tình yêu mới còn mãi.

Khi nói đến tình yêu là nói đến tình yêu giữa người này với người khác, giữa nam với nữ, giữa vợ chồng với nhau. Trong tuyệt phẩm “Gladiator” cũng cho ta thấy có một thứ tình yêu khắc khoải chờ đợi, một tình yêu chân chính nhưng cũng có một thứ tình yêu vượt quá mức luân lý cho phép. Đó là lý do tại sao chúng phải nhắc đến mỹ nhân Lucilla, ái nữ, công chúa của hoàng đế Aurelius.

Như trong phần tóm tắt đã nói đến, Lucilla là một người thông minh, nhan sắc, bản lãnh. Thế nhưng, Lucilla đã bước vào một ngã rẽ, một con đường mà cho đến bây giờ nhiều người khó chấp nhận đó là trở thành người tình, người vợ của Commodus, em trai nàng. Người ta có khi định đoạt và ban ra những điều luật cho cả một đế quốc nhưng không thể ra luật, định hướng đi cho chính mình, thế mới thấm thía câu nói của cổ nhân “thắng được vạn quân địch không bằng thắng chính mình”. Nếu phân tích tâm lý nhân vật Lucilla trong tác phẩm “Gladiator”, chúng ta thấy nàng là một người bất hạnh hơn ai hết, với ánh mắt đượm buồn và một tâm hồn ray rứt, bị hoàn cảnh đẩy đưa. Nàng biết rằng con đường nàng đang bước đi không bằng phẳng, êm ả chút nào nhưng gồ ghề của lòng người sỏi đá, thiếu vị ngọt của một tình yêu chân thật. Tình yêu chân thật đối với nàng như cơn mưa rào rơi rớt vào một ngày đầu hạ, như màn đêm chờ tia nắng bình minh và không biết lúc nào những giọt mưa ấy, ánh sáng bình minh ấy mới dọi chiếu vào một tâm hồn hiu quạnh giữa hai nỗi cô đơn đi về của nàng, một dành cho Commodus và một dành cho Maximus. Nàng đang bắt trái tim và khối óc phải phụ thuộc vào một tên đê tiện mang danh là hoàng đế như Commodus. Khi không đi đúng đường ngay lẽ phải, nàng đang cố đuổi bắt một hạnh phúc giả tạo để rồi thất vọng ê chề với một con tim trống vắng tình yêu.

Cuối cùng Lucilla cũng ngộ ra, nàng biết rằng tình yêu của mình phải chăng xứng đôi vừa lứa với Maximus (lúc này Maximus chỉ còn một mình vì vợ con đã mất)? Thế nhưng nguyện vọng chính đáng đó của nàng cũng khó mà thực hiện được. Bởi Maximus vì Roma mà hy sinh tình cảm riêng tư của mình, dù đó là một nhu câu chính đáng. Hai tấm lòng như hai bờ sông không gặp được nhau khi chưa có chiếc cầu mang tên là tình yêu nối kết, và phải chăng nhịp cầu hạnh phúc đó phải mang tên là hôn nhân?  

Thế nhưng, tình duyên không thành, kẻ không muốn thì phải sẵn sàng chia sẻ, người ước mong lại tỏ ra hững hờ. Tình chợt đến chợt đi, tình ngủ quên trên đồi vắng, chỉ có tình ở lại mới là tình đẹp, nhưng tình ở lại đối với Lucilla cũng chỉ là một giấc mơ dài và phải chăng đó cũng chỉ là một tình yêu đơn phương? Lucilla đã nuôi hy vọng, vun đắp mối tình với Maximus, để cho mối tình chân chính với Maximus có dịp lên mầm, nở hoa nhưng tình đó cũng chỉ có thể trong tâm hồn của hai kẻ cô đơn mà thôi. Maximus có thể cô đơn khi người vợ và đứa con thân yêu không còn, Lucilla cũng có thể cô đơn vì phải tình chung mà dạ riêng với Commodus, em nàng. Lucilla phải lựa chọn giữa hai con đường, con đường trung thành với cha mình nhưng cũng đồng thời thương đứa em và cũng là “chồng riêng” của mình.

Nếu Lucilla không vướng vào vòng vây của Commodus, có lẽ nàng sẽ là một cô gái chính chuyên, công, dung, ngôn, hạnh và lịch sử muôn đời sẽ cúi mình thán phục nàng! Nhưng sự thật đã không được như thế.

Nếu hoàng đế Marcus Aurelius, Maximus và có thể cả Lucilla nữa đại diện cho nhưng người tốt, tức đứng trong hàng ngũ chính nghĩa thì bên kia ranh giới của chính nghĩa là phi nghĩa, ta thấy thấp thoáng một kẻ đê tiện có tên là Commodus. Nếu theo Hégel, K. Marx, mọi sự phát triển được là do đi qua tiến trình biện chứng: đề, phản đề và hợp đề thì chúng ta có thể so sánh: hoàng đế Aurelius, Maximus và Lucilla chính là Đề, Commodus là Phản Đề và chúng ta sẽ thấy được hợp đề là gì.

Tại sao gọi Commodus là phản đề, điều đó quá đáng lắm không? Câu trả lời có lẽ là không. Như chúng ta đã biết, Commodus là một kẻ nhẫn tâm, tàn ác, sẵn sàng giết cha mình, giết tướng Maximus cùng vợ con của vị tướng này, và cũng sẵn sàng lôi kéo Lucilla, chị của mình vào con đường tội lỗi.

Commodus là vật cản đường bẻ gãy ý tưởng quốc thái dân an của Aurelius. Commodus là chướng ngại vật ngăn cản đường lối chính tâm của Maximus đồng thời Commodus trở thành trò hề với mối tình vụng trộm với chị mình là Lucilla. Commodus sẵn sàng lôi xuống tất cả những ai cản bước mình đến với chiếc ghế quyền lực để thống trị, cai trị đế quốc chứ không phải để phục vụ đế quốc. Aurelius, Maximus, Lucilla đều bị Commodus lôi xuống khỏi vũ đài chính trị, chiến trường cũng như tình trường. Khi đã thực hiện được tham vọng làm vua, Commodus cai trị đế quốc bằng một đường lối không giống ai, bằng một chính sách dã man: “nắm đấm và bánh mỳ”. Commodus cười hả hê trên sự chết chóc của người khác bằng cách tái lập các hý trường, chơi trò giác đấu, bắt con dân, đồng loại phải tiêu diệt lẫn nhau. Ngoài sự cai trị không giống ai, Commodus cũng không biết đâu là tiêu chuẩn đạo đức, ranh giới của sự thiện ác, phải trái, thị phi. Nếu theo Đông phương, khi một ông vua không sống đúng với “chính danh”, tức vua cho ra vua thì khi đó ông không còn phải là vua nữa, cũng không phải là thiên tử, thay trời trị dân mà là một tên đê tiện, trời không dung đất không tha. Vua không xử thế theo Mệnh Trời lấy gì dân trọng? Do đó, ta có thể gọi Commodus là một tên tiểu nhân không hơn không kém, lại đội lốt hoàng đế, một ông vua, nhưng thực ra chẳng ai phong cho y nên cũng không đáng được gọi là vua.

Vì đòi hỏi của vua cha Aurelius cho một người kế vị là người đó phải khôn ngoan, dũng cảm, ý thức công bằng và biết chừng mực. Nhưng ông đã được đón nhận câu trả lời từ đứa con như một gáo nước lạnh đổ xuống tuổi già của Aurelius: “Con không có đức tính nào trong các tiêu chuẩn của cha nhưng con có tham vọng, tài xoay xở, và hơn hết là tận tụy với gia đình, với cha”. Vua Aurelius biết rất rõ lòng dạ con mình và thốt lên những lời chua cay, hết đường chạy chữa: “Lỗi lầm của con với tư cách là  con chính là  thất bại của cha trên cương vị người cha”  . Một lời trần tình thật lòng mà đến lúc này vua Aurelius phải nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Có thể vua Aurelius nuối tiếc cho sự huy hoàng, minh triết thế sự của một vị vua anh minh như mình rồi đây  sẽ bị nhấn chìm bởi lòng dạ nhẫn tâm của đứa con mà ông có thể cho rằng sinh ra Commodus là một sự sai lầm, và sự sai lầm lớn nhất là sự thất bại của một người cha trên cương vị người cha. Tiền đồ bị lung lay, gia đình tan rã, đế quốc bước vào cảnh đen tối là điều không ai muốn nhưng Aurelius có lẽ đã “linh cảm” được những điều đó có thể xảy ra. Và quả thực như chúng ta thấy, những điều đó đã xảy ra thật, chứ không còn chỉ là giả thiết.

Tóm lại, Commodus là một phản đề vì y là một tiểu nhân, tiểu nhân trong hành động giết cha, tiểu nhân trong cuộc chiến không cân sức với Maximus (đâm một dao vào Maximus trước khi thách đấu), tiểu nhân trong cách cai trị đế quốc, tiểu nhân trong mối tình vụng trộm với Lucilla, và sẵn sàng phá đổ tất cả những tiền đồ mà biết bao nhiêu người khác đã gầy dựng cho lý tưởng quốc thái dân an, người người được hạnh phúc.

Sự trở lại của Maximus, sự giúp đỡ của Gracchus và Lucilla có thể được coi là hợp đề của tuyệt phẩm “Gladiator”. Về lại Roma, Maximus không chọn những lời tung hô của dân chúng, cũng không chọn tiền bạc, danh vọng như Proximus muốn. Maximus cũng không nhắm ý hướng khôi phục lại danh dự, quyền lực cho mình nhưng là thực thiện ý nguyện của hoàng đế Aurelius là làm sao để quốc thái dân an, người người hạnh phúc. Phải chăng Maximus giết Commodus chỉ là giọt nước tràn ly, lòng tự trọng và lòng trung thành của Maximus bị tổn thương? Về cố quận, gặp lại cố nhân, Maximus không phải đi tìm vầng hào quang xưa nhưng là tìm một đáp số cho đế quốc, cho Roma mà bài toán đó đã được Aurelius đặt vấn đề và cách thức giải. Cách giải và tìm đáp số không khó vì giết Commodus là tìm thấy lời giải đáp. Thực hiện việc lập viện Nguyên Lão là lời giải đáp cuối cùng cho bài toán ấy.

Thế nhưng, lúc thực hiện, Maximus không tránh khỏi cái chết cũng không tránh khỏi bàn tay của Commodus, một kẻ hèn hạ nhưng muốn làm bá chủ người khác; một tiểu nhân đội lốt quân tử nhưng may thay dân chúng cũng chân nhận và hiểu được phần nào những việc làm đen tối của hắn. Nhà lãnh đạo nào cũng muốn lấy lòng dân chúng, vì dân yên thì chiếc ghế của mình mới vững. Hiểu được điều đó, Commodus cũng cố gắng làm đủ mọi cách để tỏ vẻ nhân từ, chăm lo cho con dân. Commodus đã lầm, khi ăn no, ngủ yên, dân chúng có thể vẫy tay chào đón nhưng lúc thế sự thăng trầm, cũng chính những bàn tay ấy quyết định số phận của một triều đại. Lúc vui vẻ, dân chúng có thể hả hê sung sướng, nhưng lúc hữu sự cũng chính họ chà đạp, truất phế những nhà lãnh đạo họ. Sức mạnh của dân chúng có thể như ngọn gió khơi dậy ngọn lửa từ đống tro tàn nhưng chính ngọn gió ấy cũng có thể thổi bay các thể chế chính trị.

Lịch sử đã chứng minh điều đó. Một Đổng Trác tài trí, sức mạnh hơn người nhưng cai trị dân chúng bằng thanh gươm và vó ngựa đã không thể kéo dài triều đại của mình. Một Lữ Bố sức mạnh như một siêu nhân “xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài đoài tan” cũng không thể thực hiện tâm nguyện của mình là cùng sống hạnh phúc bên Điêu Thuyền, một tuyệt thế giai nhân để xây dựng một xã hội mà trong đó con người được sống hạnh phúc chỉ vì lòng đố kỵ và sự gian ác, đa nghi của Tào Tháo. Vì thế, một người tâm địa ác ôn và hèn hạ như Commodus làm sao hiểu được thế sự, hiểu được lòng dân, hiểu được Mệnh Trời? Một con sói dữ đội lốt chiên như Commodus làm sao che mắt được những người thành tâm thiện chí? Một vì “sao xẹt” làm sao sánh được ánh sáng quang minh của mặt trời, của vầng nguyệt? Một tâm địa gian manh như Commodus làm sao thực hiện được “chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”?

Đành rằng cuộc đời có thể như một trò đùa, có cái này mà cũng không thể thiếu cái kia! Bên này là chân lý, bên kia lại là lầm lạc. Bên này là “chánh tâm”, bên kia lại là “tà tâm”. Pascal đã hiểu được sự đời trớ trêu đó nên ông đã mỉa mai một câu rằng: “Đáng buồn cười thay một thứ công lý như một con sông giới hạn. Bên này núi Pyrénée là chân lý, bên kia lại là lầm lạc”. Nhưng điều quan trọng Commodus có biết rằng mình đã lầm lạc ngay khi suy nghĩ và hành động hay không? Hẳn Commodus đã thiếu “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm…”? Nếu Commodus là một minh quân thì lịch sử Roma đã đổi khác và nếu Maximus không phải là một người chính tâm thì Roma cũng như sự nghiệp của Aurelius đã bị nhấn chìm bởi đám bụi mờ của lịch sử.

Nhưng cũng đáng mừng vì đã có một người có thể làm thay đổi cục diễn “trận đấu lịch sử” không ai khác lại chính là Maximus. Có thể nhiều người cảm thấy tiếc rẻ cho sự nghiệp lẫy lừng của Maximus, một con người tài giỏi, tài đức vẹn toàn; một con người như vậy xuất hiện vào thời nào cũng quý. Maximus như viên ngọc quý đã được mài dũa. Ông mãi sáng không những trong lịch sử hào hùng của Roma mà còn trong cả lịch sử thế giới nữa. Nếu theo nhà triết học Hiện sinh J.P Sartre thì chết là hết, là chấm dứt dự phóng, hiện sinh dang dở, là ngõ cụt của kiếp nhân sinh, thì cái chết của Maximus lại mở ra một chân trời mới, bầu trời tự do không những cho những người nô lệ mà cho cả dân thành Roma, những người đáng ra là người nhưng không được làm người dưới thời Commodus như anh bạn gia đen trong đội giác đấu của Maximus chẳng hạn. Nếu cái chết của Maximus là vinh quang thì cái chết của Commodus lại là một sự hèn hạ, nhục nhã. Cái chết của Maximus là cái chết của một “vị cứu tinh” của Roma thì cái chết của Commodus là cái chết của kẻ tội đồ. Câu nói nổi tiếng “một người chết thay cho toàn dân” của Pilatus dành cho Chúa Giêsu ngày nào, bây giờ một lần nữa lại rất đúng đối với trường hợp của Maximus. Nhờ cái chết của Maximus, cái chết của một con người chính tâm, một chân trời mới đã được khai mở, lịch sử sang trang, Roma bước vào nền cộng hoà đứng đầu là viện Nguyên Lão, gồm những bậc hiền triết cao minh lãnh đạo đế quốc, một xã hội mà trước đây Platon từng mơ ước nay đã trở thành hiện thực. Sự trở lại của Maximus là một hợp đề tất yếu và hoàn hảo, giống như hạt lúa phải chết đi mới đơm bông kết trái, trở thành một mùa gặt bội thu làm ngây ngất lòng người.

Con người có thể đổi trắng thay đen, đen thay trắng, vì có thể khoác tấm áo vật chất cũng như tinh thần lên hình thể hay tâm hồn mình nhưng có một điều phải thừa nhận những người chân chính hay nói đúng hơn những nhà lịch sử chân chính thì không thể đổi trắng thay đen sự thật vốn có của lịch sử được. “Gladiator” là một tuyệt phẩm của điện ảnh nhưng những nhân vật trong tác phẩm này, cùng thời gian tính, dữ kiện, hành động của các nhân vật là có thật.

Tuy nhiên, sự thật lắm lúc cũng phủ phàng nhưng nhiều khi cũng làm cho người ta vẻ vang. Nếu Commodus nhấn chìm Roma trong tăm tối thì Aurelius, Maximus lại làm cho Roma vinh quang. Roma ngày xưa là bãi chiến trường, là mồ chôn những người lính xấu số tử trận nhưng cũng là ánh sáng soi vào bóng tối cho các dân man di mọi rợ nhìn thấy ánh sáng văn minh. Hai tiếng Roma vừa bi thương vừa kiêu hùng. Roma từng sinh ra những con người xấu xa như Commodus nhưng cũng sản sinh ra những vị hiền triết, những vị vua tài giỏi, minh quân như Aurelius cũng như những vị tướng trung thành, dũng cảm, tài giỏi như Maximus.

Roma ngày xưa là tử địa, là bãi chiến trường còn Roma bây giờ là thành phố hoà bình, tươi đẹp, đầy tinh thần bao dung và cánh cửa luôn rộng mở ra với thế giới. Roma ngày nay vừa cổ kính vừa hiện đại, giàu có và văn minh. Dầu rằng có những lúc hồi tâm suy nghĩ và nhìn những chứng tích lịch sử như Colesium, chúng ta cũng cảm thấy rùng mình, thấy tội các của những người đã gây biết bao chết chóc khổ đau cho nhân loại, những người dân vô tội, những tín hữu chỉ  vì lòng tin vào Đức Giêsu đã phải đổ máu, rơi đầu nơi hý trường ấy. Còn Roma bây giờ lại đầy lòng vị tha, thông cảm và tha thứ.

Từ quá khứ tới hiện tại, từ hiện tại tới tương lai có lẽ thời nào cũng có người nhắc đến Roma, một cột mốc, một chứng tích của lịch sử nhân loại, của thế giới vì Roma đã có những người  đổi mới cục diện của thế giới như Aurelius và Maximus. Nhờ những con người ấy góp phần làm cho chế độ nô lệ tan rã, mở ra thời kỳ tự do, thời kỳ cộng hoà và cho đến bây giờ đường lối chính trị này vẫn còn hiện diện ở nhiều quốc gia. Những nhân vật như Aurelius và Maximus vẫn sống mãi và tồn tại mãi trong tâm thức của những ai đã một lần nghe, đọc, xem tác phẩm “Gladiator” cũng như nghiền ngẫm lịch sử, những tượng đài đó luôn đứng vững mãi với thời gian và trong lòng người dương thế.

Nguyễn Văn Hoàn

No comments:

Post a Comment